Dị vật trong mũi là một cấp cứu tai mũi họng thường gặp ở trẻ từ 1-6 tuổi. Phần lớn các dị vật bị đưa vào mũi một cách tình cờ với rất nhiều lý do khác nhau, bởi tò mò và khám phá là quy luật tự nhiên trong quá trình phát triển của các bé. Có thể là trẻ nghịch ngợm nhét đồ vào mũi bạn hoặc tự nhét vào mũi mình, sau đó quên mất việc mình làm, hoặc do chấn thương, ngã làm dị vật mắc lại trong mũi. Đây là vấn đề thường gặp trẻ khi chơi thường nghịch ngợm nhét những vật vào mũi như nút nhựa, khuy áo, hạt lạc, hạt đậu...

Khoa Tai – Mũi – Họng Bệnh viện A Thái Nguyên vừa tiếp nhận một bệnh nhi 4 tuổi trú tại Xã Bình Yên, Huyện Định Hóa, Tỉnh Thái Nguyên (đang điều trị tại Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện A Thái Nguyên)  có dị vật nằm sâu trong hốc mũi. Theo lời kể gia đình, trước đó 1 tiếng, ngày 09/7/2021, bệnh nhi 4 tuổi đang điều trị tại Khoa Ngoại Tổng hợp với chẩn đoán: Tinh hoàn ẩn. Hai bố con đang ăn Mận, bé tự nhét hột mận vào hốc mũi khiến bé bị ngạt mũi, chảy máu mũi. Ngay sau đó các Bác sỹ khoa Ngoại TH chuyển bệnh nhân xuống khoa Tai – Mũi – Họng hội chẩn. Tại đây, bác sĩ đã thăm khám, phát hiện dị vật hốc mũi và đã tiến hành lấy dị vật bằng phương pháp gây tê tại chỗ do dị vật nằm rất sâu trong hốc mũi. Sau 15 phút dị vật đã đưa về khoa Ngoại TH điều trị tiếp và hẹn tái khám.

Hình ảnh dị vật

 

Dị vật mũi là bệnh thường gặp trong cấp cứu Tai Mũi Họng, đặc biệt hay gặp ở trẻ em. Trẻ khi chơi thường nghịch ngợm nhét những vật dụng, thực phẩm vào mũi như: nút nhựa, nút áo, hạt đậu, hạt mận... gây ra dị vật ở mũi. Do đó, khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường như khó thở, chảy nước mũi nhiều và đặc biệt là chảy máu, cha mẹ hãy kiểm tra xem trong mũi bé có gì lạ hay không? Nếu phát hiện trẻ bị dị vật trong mũi, cần đến khám chuyên khoa tai mũi họng của cơ sở y tế gần nhất để được gắp dị vật càng sớm càng tốt. Nếu để muộn, việc lấy dị vật sẽ khó khăn hơn và gây biến chứng viêm mũi.

Ngoài ra, cha mẹ nên dạy bé nhận thức được việc nhét đồ vật vào mũi là việc làm nguy hiểm. Đặc biệt, cần phải quan sát các hoạt động vui chơi của trẻ, nhất là không cho trẻ nhỏ chơi với các loại đồ chơi có pin điện tử vì tính chất ăn mòn axit của pin rất nguy hiểm cho trẻ.

Mắc dị vật trong mũi có nguy hiểm ?

Theo các bác sĩ phần lớn các trường hợp dị vật trong mũi và khoang mũi không nghiêm trọng và có thể trì hoãn việc lấy dị vật. Tuy nhiên, một số vật tắc trong mũi có khả năng di chuyển xuống miệng và có nguy cơ bị nuốt phải, thậm chí bị hít vào đường thở gây dị vật đường thở.

Dị vật trong mũi để lâu sẽ gây viêm loét mũi, viêm mũi xoang.  Với những dị vật có chứa hóa chất, như pin điện tử cần lấy ngay trong vòng 4 giờ. Nếu để lâu, sẽ gây loét niêm mạc, chảy máu, thủng vách ngăn mũi, gây sẹo co kéo.

Cách phát hiện

          Điển hình là dị vật trong mũi gây ra đau hoặc tắc nghẹt mũi bên có dị vật. Chảy máu mũi cũng là triệu chứng của dị vật trong mũi vì niêm mạc mũi có thể bị trầy xước. Chảy máu mũi cũng rất dễ gây buồn nôn nên người bệnh có thể nôn.

          Khoang mũi thông với phía sau họng miệng, vì vậy rất có khả năng dị vật bị đẩy xuống họng. Có những trường hợp dị vật bị nuốt xuống hoặc bị tắc gây nghẹt thở. Triệu chứng của ngạt, rít, khó thở hoặc không nói được, là những gợi ý để đánh giá toàn bộ mũi, họng và phổi để tránh bỏ sót dị vật.

           Nhiễm trùng là một triệu chứng hay gặp khác của dị vật trong mũi. Mẩu giấy ăn bị sót lại hoặc để quên là nguyên nhân thường gặp. Mùi hôi cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng có dị vật ở mũi trong một thời gian dài. Có thể phát hiện được dị vật do dị vật gây ra tình trạng hơi thở hôi hay mùi hôi từ mũi, cũng có thể liên quan tới tình trạng chảy nước mũi do dị vật.

Cần xử lý thế nào?

          Nếu phát hiện trẻ có dị vật mũi, người lớn nên hỏi nhẹ nhàng, không nên quát mắng trẻ, có thể bịt bên mũi không có dị vật rồi cho trẻ xì mũi mạnh, nếu dị vật nhỏ có thể ra được. Phần lớn dị vật có thể quan sát được trong điều kiện đầy đủ ánh sáng và với một vài dụng cụ. Nếu dị vật ở sâu phía trong hoặc có biến chứng nhiễm trùng xoang nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định thăm khám bằng nội soi hoặc Chụp cắt lớp vi tính.

           Khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ bị dị vật trong mũi, không nên bịt bông vào cửa mũi vì có thể làm dị vật chui sâu hơn. Tốt nhất hãy đưa trẻ tới chuyên khoa Tai - Mũi - Họng để các bác sĩ có chuyên môn lấy những dị vật ra một cách dễ dàng và an toàn. Nếu dị vật là cục pin thì cần phải được lấy ra khỏi mũi càng sớm càng tốt vì pin bị phân hủy bởi dịch mũi gây hoại tử mô xung quanh.

BS Đỗ Trung Toàn – Hoàng Hậu

Bệnh viện A Thái Nguyên

Share:

Tin bài liên quan