Ngày 08/9/2020 Bệnh viện A phối hợp với công ty Nhất Minh Medical tổ chức sinh hoạt khoa học cập nhật kiến thức liên quan đến sản khoa với chủ đề “ Tiền sản giật- Đã đến lúc hành động”. Tham dự hội thảo có ban giám đốc Bệnh viện A, cán bộ y tế khoa sản và các khoa, phòng trong bệnh viện , các đồng nghiệp đến từ các bệnh viện, trung tâm y tế: Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ,Võ Nhai, Trung tâm y tế Chợ Mới tỉnh Bắc Kạn.

         BS CKII Hà Hải Bằng- Bí thư Đảng ủy- Giám đốc Bệnh viện A phát biểu khai mạc hội thảo

         Thay mặt cho lãnh đạo Bệnh viện A BS CKII Hà Hải Bằng- Bí thư Đảng ủy- Giám đốc bệnh viện A phát biểu khai mạc và chào mừng các đồng nghiệp tham dự buổi hội thảo. Với mục đích cùng nhau chia sẻ, trao đổi những kiến thức, kinh nghiệm liên quan đến chuyên ngành Sản khoa. Báo cáo viên tại buổi hội thảo Thạc sĩ- Bác sĩ Nguyễn Công Định- Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nhấn mạnh: Tiền sản giật chiếm 2–8% thai kỳ đây là một biến chứng nguy hiểm, với tình trạng huyết áp cao và đạm trong nước tiểu, thường xảy ra sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ. Các đối tượng dễ bị tiền sản giật gồm phụ nữ mang thai đầu tiên, hoặc ở những thai phụ có các bệnh như bệnh thận, cường giáp, tiểu đường... Nguyên nhân gây ra tiền sản giật chưa được xác định, nhưng người ta thấy có vài yếu tố có thể làm cho tiền sản giật dễ xảy ra như thiếu máu vào buồng dạ con - bánh nhau, tính miễn nhiễm của hệ miễn dịch thai phụ, chế độ ăn uống nghèo chất dinh dưỡng…Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sinh non và có thể dẫn đến tử vong cho cả mẹ lẫn con nếu không được chẩn đoán, phát hiện kịp thời. Trong buổi hội thảo giảng viên đã phân tích các triệu chứng, các chỉ số cận lâm sàng để phân loại tiền sản giật nhẹ và nặng từ đó giúp bác sĩ có phác đồ điều trị phù hợp. Ảnh hưởng của tiền sản giật trên sức khỏe người mẹ và thai nhi rất nguy hiểm. Người mẹ bị tiền sản giật nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến biến chứng nhau bong non, phù phổi cấp, xuất huyết não, rối loạn tâm thần cho mẹ hoặc tử vong. Còn với thai nhi, tiền sản giật làm giảm lượng máu đến nhau thai, hậu quả thai nhi chậm phát triển, suy thai, thậm chí thai bị chết lưu trong tử cung, sinh non.

          Thạc sĩ- Bác sĩ Hoàng Công Định- Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trao đổi với các học viên

         Tại buổi hội thảo các học viên cũng đã được Thạc sĩ- Bác sĩ Nguyễn Công Định- Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ kiến thức cơ bản về tư vấn cho phụ nữ khi mang thai nên đi khám thai định kỳ theo lời dặn của thầy thuốc và khám ngay khi thấy có dấu hiệu bất thường để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, nhằm ngăn ngừa biến chứng và được tư vấn để có những lựa chọn thích hợp nhất cho mẹ và con. Chú ý các yếu tố thuận lợi dễ đưa đến tiền sản giật qua tiền sử gia đình, tiền sử bệnh nội khoa và bệnh sử thai kỳ lần này của chính thai phụ.Trong thời gian mang thai, thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo đủ năng lượng; cân đối giữa các chất đạm - bột, đường - béo, cân đối giữa các chất khoáng và các vitamin cần thiết, cân đối số bữa ăn trong ngày và tỷ lệ năng lượng giữa các bữa ăn phù hợp với mức độ hoạt động thể lực trong ngày, bảo đảm các chất dinh dưỡng được cung cấp với một lượng vừa đủ, không quá thiếu cũng không quá thừa, đa dạng và an toàn. Trong buổi hội thảo các học viên đã được giảng viên giải đáp những thắc mắc trong thực tiễn gặp phải tại đơn vị và hướng xử trí, điều trị kịp thời.

          Kết thúc buổi hội thảo các học viên đã được cập nhật những kiến thức về bệnh tiền sản giật trong thai kỳ, chẩn đoán, phân loại phù hợp với trình trạng bệnh để có phác đồ phù hợp nhất, tư vấn kiến thức phòng bệnh tiền sản giật trong thai kỳ nhằm đem đến cho thai phụ một giai đoạn thai kỳ an toàn, một sức khỏe tốt đảm bảo cho cả mẹ và con./.

Phương Thúy- Phòng Đào tạo& Chỉ đạo tuyến

Share:

Tin bài liên quan