I. Giai đoạn 1965 - 1975
Bước vào năm 1965 đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta hết sức ác liệt. Để đảm bảo việc điều trị và cấp cứu phòng không cho nhân dân Tỉnh Bắc Thái, Uỷ ban hành chính Khu tự trị Việt Bắc đã có Quyết định số 35/ QĐ ngày 13/8/1965 về việc phân tán Bệnh viện Khu, trong đó giao cho Ty Y tế tỉnh Bắc Thái tổng số 150 giường bệnh bao gồm cả cán bộ, trang thiết bị và kinh phí theo chỉ tiêu 150 giường bệnh, để xây dựng Bệnh viện tỉnh và các Bệnh viện huyện của tỉnh Bắc Thái. Số còn lại chủ yếu làm nhiệm vụ điều trị ngoại trú, chỉ để 100 giường điều trị nội trú và sơ tán lên nơi an toàn là xã Cúc Đường - huyện Võ Nhai. Do khoảng cách từ Thị xã Thái Nguyên lên xã Cúc Đường khá xa, không đảm bảo cấp cứu bệnh nhân nên Ty Y tế Bắc Thái thành lập ngay đội cấp cứu phòng không đáp ứng phục vụ nạn nhân khi bị bom Mỹ. Ngày 4/9/1965 Ty Y tế Bắc Thái thành lập Ban kiến thiết Bệnh viện dã chiến (tiền thân của Bệnh viện A) tại xã Vô Tranh, huyện Phú Lương. Ngày 31/12/1965, Uỷ ban Hành chính tỉnh Bắc Thái chính thức có Quyết định số 657/TCDC về việc tiếp nhận và điều động 73 cán bộ nhân viên do UBHC Khu chuyển giao về và cho thành lập Bệnh viện tỉnh Bắc Thái với quy mô 100 giường bệnh và chỉ tiêu biên chế 62 cán bộ, bao gồm: 02 bác sỹ, 01 dược sỹ đại học, 14 y sỹ, 17 y tá, 02 nữ hộ sinh, 02 dược tá, 01 xét nghiệm viên, 11 hộ lý; còn lại là cán bộ nhân viên phục vụ.
Sau khi được thành lập Bệnh viện đã phải bắt tay ngay vào xây dựng cơ sở vật chất tại nơi sơ tán là xóm Trung Thành, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, UBHC tỉnh (nay là UBND tỉnh), Ty Y tế (nay là Sở y tế) nên chỉ sau một thời gian ngắn Bệnh viện đã có đủ điều kiện để tiếp nhận cấp cứu phòng không nhân dân, cấp cứu nội, ngoại khoa và từng bước mở rộng thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị, cán bộ để khám, chữa bệnh nội, ngoại trú cho cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Nhưng hoạt động ở đây mới được một thời gian ngắn thì đến ngày 20/7/1966 đế quốc Mỹ đã ném bom xuống khu vực khoa Ngoại Sản của Bệnh viện làm 01 bệnh nhân tử vong, 01 cán bộ Bệnh viện và 02 người dân ở gần Bệnh viện bị thương. Đến ngày 30/5/1967, Bệnh viện di chuyển đến nơi sơ tán mới là xóm Cây Châm - xã Động Đạt - huyện Phú Lương để xây dựng cơ sở cho 100 giường bệnh và hơn 60 cán bộ nhân viên. Sơ tán ở đây khá lâu, Bệnh viện có điều kiện mở rộng thêm cơ sở vật chất, tăng dần đội ngũ cán bộ nên ngoài việc cấp cứu thời chiến cũng như thời bình đã từng bước làm tốt công tác khám chữa bệnh về Nội, Nhi, Truyền Nhiễm, Ngoại, Sản, các chuyên khoa Tai - Mũi - Họng, Răng - Hàm - Mặt, Mắt và tích cực tham gia vào công tác đào tạo cho Trường Trung học y tế của tỉnh.
Trong giai đoạn này Đế quốc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc khá lâu nên đến giữa năm 1971 UBND tỉnh có chủ trương chuyển Bệnh viện về xây dựng kiên cố ở thành phố Thái Nguyên và đã có quyết định cấp 8,5ha đất để xây dựng bệnh viện đa khoa với quy mô 400 giường bệnh tại khu vực Trường Cao đẳng sư phạm và Bệnh viện A hiện nay. Trong khi chờ đợi xây dựng bệnh viện mới, Bệnh viện chuyển về xây dựng tạm thời ở khu vực Hồ Sen - xã Thịnh Đán - huyện Đồng Hỷ (nay là phường Thịnh Đán, T.P Thái Nguyên).
Nhận được chủ trương này, mọi cán bộ nhân viên đều phấn khởi hăng hái bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ được phân công: Bộ phận quản lý phối hợp với Ty Y tế ký hợp đồng thiết kế san lấp mặt bằng bệnh viện mới; Một bộ phận tiến hành xây dựng cơ ở vật chất ở khu vực Hồ Sen bằng tranh tre, nứa lá tạm thời phục vụ cho 200 giường bệnh; Một bộ phận về tiếp nhận Bệnh viện Thành phố (30 giường bệnh) lúc đó ở Sở Thương binh xã hội Khu Việt Bắc và Trường Phổ thông cấp I Đội Cấn. Đến cuối năm 1971 đầu 1972 đã chuyển xong toàn bộ Bệnh viện ở Cây Châm (Động Đạt - Phú Lương) và Bệnh viện Thành phố về khu vực Hồ Sen hoạt động.
Nhưng đến tháng 4/1972 đế quốc Mỹ quay lại ném bom Miền Bắc và đe doạ có thể sử dụng pháo đài bay B52. Bệnh viện lại có lệnh sơ tán, một bộ phận nhỏ vào xã Phúc Xuân phối hợp với Bệnh viện Đồng Hỷ làm nhiệm vụ chủ yếu là cấp cứu phòng không nhân dân, còn lại đại bộ phận sơ tán lên làng Lân, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương. Từ tháng 6 đến tháng 8/1972 tại làng Lân đã có cơ sở điều trị hàng trăm giường bệnh với các khoa chính: Ngoại, Sản, Nội, Nhi, Truyền Nhiễm, Khoa Khám bệnh và cận lâm sàng phục vụ kịp thời việc khám chữa bệnh và cấp cứu cho nhân dân. Quả thực sau đó đế quốc Mỹ sau khi sử dụng các loại máy bay khác ném bom miền Bắc, đến đêm 24 rạng ngày 25/12/1972 đã dùng máy bay B52 ném bom xuống khu vực thành phố Thái Nguyên làm nhiều người chết và bị thương, Bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân và làm tốt nhiệm vụ cấp cứu, điều trị.
Tháng 3/1973 Hiệp định Pari được ký kết, đế quốc Mỹ phải rút quân về nước, Bệnh viện lại được trở về tiếp tục xây dựng ở khu vực Hồ Sen đến năm 2003.
Về quy mô bệnh viện: Lúc đầu thành lập chỉ có 100 giường bệnh với 62 CBNV. Từ năm 1972 trở đi số giường và đội ngũ cán bộ tăng dần trong thập kỷ 70 và đầu thập kỷ 80, lúc cao nhất là 350 giường với số lượng CBNV 380 người (kể cả biên chế Phòng khám Đa khoa Mỏ Bạch) trong đó có một đội ngũ cán bộ chuyên khoa đầu ngành của tỉnh được đào tạo chính quy, có trình độ cao, có khả năng đào tạo bồi dưỡng cho các thế hệ cán bộ kế cận và nhiều thầy thuốc đạt trình độ chuyên gia y tế. Trong giai đoạn này đã có 10 thầy thuốc đi làm chuyên gia y tế giúp các nước bạn châu Phi. Những năm sau này do Nhà nước có chủ trương giảm biên và có sự chia tách thành lập đơn vị mới như chuyển giao phòng khám Mỏ Bạch cho Thành phố, thành lập Bệnh viện Tâm Thần nên quy mô Bệnh viện chỉ còn duy trì ở mức 300 giường bệnh với 243 CBNV.
Về đội ngũ lãnh đạo : Lúc mới thành lập sơ tán tại Vô Tranh, ông Nguyễn Đức Nhúc, Phó Trưởng Ty Y tế (nay là Sở Y tế) kiêm bệnh viện trưởng (nay là giám đốc), Bác sĩ Nguyễn Phương làm bệnh viện phó (nay là phó giám đốc). Thời kỳ sơ tán lên Cây Châm - Phú Lương, ông Nguyễn Đức Nhúc được điều động làm giám đốc Bệnh viện Bắc Kạn, ông Phan Văn Tĩnh - Chủ tịch huyện Phú Lương được tỉnh điều động làm giám đốc Bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Phương làm phó giám đốc; Năm 1968, Bộ Y tế điều động thêm bác sĩ Nguyễn Hạo về làm phó giám đốc. Đến năm 1970, bác sĩ Nguyễn Phương được điều động làm quyền hiệu trưởng Trường Trung học Y tế thay ông Nguyễn Ngọ đi học, bác sĩ La Đức Hiền được bổ nhiệm phó giám đốc. Đến giữa năm 1971, khi có chủ trương chuyển Bệnh viện về thành phố thì ông Phan Văn Tĩnh nghỉ hưu, tỉnh lại điều động ông Nguyễn Đức Nhúc, phó giám đốc Sở Y tế kiêm giám đốc Bệnh viện A và 2 phó giám đốc là bác sĩ La Đức Hiền và bác sĩ Nguyễn Hạo. Đến năm 1973, Bác sĩ Nguyễn Hạo được điều động làm giám đốc Bệnh viện Điều Dưỡng, bác sĩ Tô Văn Thủ được bổ nhiệm phó giám đốc. Năm 1976, ông Nguyễn Đức Nhúc nghỉ hưu, bác sĩ La Đức Hiền được bổ nhiệm làm quyền giám đốc.
II. Giai đoạn 1975 – 2003
Sau hòa bình lập lại, Bệnh viện tiếp tục được củng cố tại địa điểm cũ là khu vực Hồ Sen, thuộc tổ 13, phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Lúc này nhà cửa chủ yếu vẫn là tranh tre nứa lá. Do cơn bão ngày 10/6/1976 đã làm đổ nhiều nhà điều trị và hai lần bị cháy nhà, UBND tỉnh cho xây dựng lại bằng nhà cấp IV gồm các khoa Ngoại, Phụ Sản, Gây mê hồi sức, Mắt, Tai - Mũi - Họng, Răng - Hàm - Mặt và các khoa cận lâm sàng: Xét nghiệm, X.quang, Dược và sau đó là các khoa Nhi, Truyền Nhiễm nhưng vẫn là xây dựng tạm thời, để sau đó sẽ chuyển về địa điểm chính thức. Sự thật đã không diễn ra như vậy, năm 1975 khi Bệnh viện đã lập luận chứng kinh tế kỹ thuật xây dựng Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh với quy mô 400 giường bệnh và ký hợp đồng với Sở Xây dựng khảo sát, thiết kế, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế trình Chính phủ phê duyệt để xây dựng vào giai đoạn 1976-1980 thì quý IV năm 1976 Chính phủ có Quyết định giao Bệnh viện Khu tự trị Việt Bắc cho tỉnh Bắc Thái, nhưng sau một thời gian, Chính phủ chính thức quyết định giao Bệnh viện Khu cho Bộ Y tế và đổi tên thành Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên để xây dựng mô hình Viện - Trường.
Do đã có Bệnh viện Đa khoa Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh nên Bộ Y tế chủ trương xây dựng cho tỉnh Bắc Thái một Bệnh viện Nhi 200 giường do nước bạn Thuỵ Điển viện trợ toàn bộ cả về xây dựng cơ bản, trang thiết bị, đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên khoa sâu vì ưu tiên Bắc Thái có khu vực công nghiệp lớn đầu tiên của Tổ quốc. Khi đó công tác quy hoạch mạng lưới y tế của tỉnh chưa toàn diện nên tỉnh ta không muốn tiếp nhận bệnh viện chuyên khoa mà vẫn yêu cầu xây dựng bệnh viện đa khoa. Vì vậy, Bộ Y tế chuyển bệnh viện này về xây dựng ở thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh (nay là Bệnh viện Đa khoa Uông Bí - Quảng Ninh).
Do không được Bộ Y tế nhất trí đầu tư và tỉnh không có nguồn lực về kinh tế nên không thể xây dựng được một Bệnh viện Đa khoa hoàn chỉnh ở địa điểm mới. Vì vậy đến năm 1979, UBND tỉnh quyết định thu hồi đất được cấp đã san lấp mặt bằng và giao cho Sở Giáo dục xây dựng Trường Sư phạm 10+3 Bắc Thái.
Từ đó trở đi, Bệnh viện tiếp tục xây dựng và phát triển ở khu vực Hồ Sen. Hàng năm, với nguồn kinh phí hạn hẹp của tỉnh, Bệnh viện chỉ đủ kinh phí tu bổ, sửa chữa cơ sở hạ tầng. Sau nhiều năm có mở rộng dần được một số nhà cấp III (khoa Nội, khoa Cấp cứu, khoa Khám bệnh) nhưng vẫn trong tình trạng chắp vá, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu chuyên môn.
Về đội ngũ lãnh đạo: năm 1976, ông Nguyễn Đức Nhúc nghỉ hưu, bác sĩ La Đức Hiền được bổ nhiệm làm quyền giám đốc ; Bác sĩ Tô Văn Thủ được bổ nhiệm làm phó giám đốc. Năm 1979 bác sĩ La Đức Hiền chuyển công tác, bác sĩ Tô văn Thủ được bổ nhiệm làm giám đốc, các phó giám đốc gồm: Bác sĩ Nguyễn Long, bác sĩ Vũ Huy Hồng. Năm 1983, bác sĩ Lương Thị Định được bổ nhiệm làm phó giám đốc Bệnh viện. Đến năm 1985, bác sĩ Lương Thị Định được điều động làm phó giám đốc Sở Y tế. Năm 1986, bác sĩ Nguyễn Đình Đồng được bổ nhiệm làm phó giám đốc Bệnh viện. Đến năm 1998, bác sĩ Tô Văn Thủ nghỉ hưu, bác sĩ Ngô Xuân Điều khi đó đang là giám đốc Bệnh viện C được điều động làm giám đốc Bệnh viện A. Đến năm 2000, bác sĩ Lưu Đình Tước được bổ nhiệm làm phó giám đốc, nhưng đến năm 2003, bác sĩ Lưu Đình Tước không may bị tai nạn qua đời, Sở Y tế điều động và bổ nhiệm bác sĩ Nguyễn Văn Tài từ Bệnh viện C lên làm phó giám đốc.
III. Giai đoạn 2003 đến nay:
Để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong thời kỳ mới, Bệnh viện A Thái Nguyên đã được xây dựng lại nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và Bộ Y tế, Chính Phủ đã quyết định đầu tư cho tỉnh một bệnh viện phụ sản quy mô 200 giường bệnh, diện tích xây dựng 14.000m2 với tổng vốn xây lắp 43 tỷ đồng và trang thiết bị 16 tỷ đồng, trên một phần đất trước đây đã được cấp tại tổ 19, phường Thịnh Đán, T.P Thái Nguyên - Đó là Bệnh viện A Thái Nguyên ngày nay.
Tại địa điểm mới, Bệnh viện vẫn được xếp Hạng II, tuyến tỉnh với quy mô giường bệnh năm 2003 là 340 giường kế hoạch. Tuy nhiên do quy mô dân số của tỉnh tăng, các trường học, các khu công nghiệp trên địa bàn nhiều, việc triển khai các kỹ thuật của đơn vị đạt hiệu quả nên lượng bệnh nhân ngày một đông, Bệnh viện thường xuyên quá tải nên phải kê thêm giường điều trị, quy mô giường bệnh phải tăng dần để tránh tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép. Đặc biệt, từ năm 2012, số bệnh nhân điều trị nội trú tăng lên nhiều, số giường bệnh phải tăng lên hàng năm: Năm 2012: 380 giường, năm 2013: 420 giường, năm 2014: 470 giường, năm 2015: 510 giường. Thực hiện sự chỉ đạo của ngành Y tế, Bệnh viện đã thực hiện không để bệnh nhân phải nằm ghép khi vào điều trị nội trú nên số giường kế hoạch là 750 giường, số giường thực kê hiện tại là 1050 giường. Cơ cấu tổ chức các khoa phòng hiện tại: 31 khoa/phòng, gồm: phòng Tổ chức - Hành chính, phòng Tài chính - Kế toán, phòng Kế hoạch - Tổng hợp, phòng Vật tư thiết bị y tế, phòng Điều dưỡng, phòng Công tác xã hội, phòng Quản lý chất lượng, phòng Đào tạo và chỉ đạo tuyến. Các khoa trong Bệnh viện gồm: khoa Khám bệnh, khoa Hồi sức cấp cứu, khoa Nội tổng hợp, khoa Nội Tim mạch - Bảo vệ sức khỏe cán bộ, khoa Ngoại Tổng hợp, Khoa Ngoại Chấn thương, Khoa Sản, Khoa Nhi, Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, Khoa Hồi sức cấp cứu, khoa Mắt, khoa Răng - Hàm - Mặt, khoa Tai - Mũi - Họng, khoa Dược, khoa Truyền nhiễm, Khoa Y học cổ truyền - Vật lý trị liệu, khoa Da liễu, khoa Hỗ trợ sinh sản, khoa Giải phẫu bệnh, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, khoa Chẩn đoán hình ảnh, khoa Huyết học truyền máu, khoa Sinh hóa - Vi sinh. Sau quá trình phấn đấu lớn mạnh về mọi mặt, nên từ tháng 10 năm 2015, Bệnh viện chính thức được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là Bệnh viện hạng I và hiện nay là Bệnh viện vệ tinh về chuyên ngành phụ sản của Bệnh viện Phụ sản Trung ương và chuyên ngành nhi của Bệnh viện Nhi Trung ương.
Về cơ sở hạ tầng, khi tiếp nhận cơ sở mới, sử dụng diện tích 2,7 ha, nằm cạnh đường Quang Trung, thuộc phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên. Tổng diện tích xây dựng khi đó là 14.000 m2, gồm 10 khối nhà 2 đến 4 tầng, xây mới đồng bộ cùng hệ thống cung ứng điện, nước, hệ thống xử lý chất thải lỏng đảm bảo. Tuy nhiện, do lượng bệnh nhân đông, chất lượng xây dựng thấp nên các công trình sử dụng một thời gian đã xuống cấp nghiêm trọng. Bệnh viện đã phải thường xuyên sửa chữa, cải tạo mái, nền, cửa, các công trình vệ sinh để đảm bảo phục vụ bệnh nhân. Mặc dù liên tục sửa chữa, cải tạo nhưng do số bệnh nhận đến khám chữa bệnh đông nên diện tích sử dụng không đảm bảo công tác khám chữa bệnh. Mặt khác, Bệnh viện được tỉnh giao nhiệm vụ phát triển mạnh mũi nhọn chuyên sâu sản - nhi nên từ 2010 Bệnh viện được đầu tư xây dựng 2 công trình mới là Công trình mở rộng Bệnh viện A Thái Nguyên theo Quyết định đầu tư số 3062/QĐ-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2009 của UBND tỉnh Thái Nguyên và công trình nâng cấp cơ sở hạ tầng Bệnh viện A Thái Nguyên theo Quyết định đầu tư số 2620/QĐ-UBND ngày 15 tháng 10 năm 2009 của UBND tỉnh Thái Nguyên hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2015. Đến nay, tổng diện tích xây dựng của toàn Bệnh viện đạt trên 28.000 m2. Hệ thống phòng ốc phục vụ công tác khám chữa bệnh đảm bảo về kết cấu, các công trình phụ khép kín, có điều hòa, hệ thống thang máy phục vụ vận chuyển người bệnh, hệ thống cung ứng điện nước đảm bảo, hệ thống sân đường, vườn hoa cây xanh đảm bảo môi trường xanh sạch đẹp an toàn cho người bệnh. Đặc biệt khoa Khám bệnh được bố trí khép kín, liên hoàn, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, các kỹ thuật cận lâm sàng cũng được triển khai tại khoa khám bệnh đảm bảo người bệnh đến khám được thuận tiện, nhanh chóng, công bằng, chất lượng. Ngoài ra khoa điều trị chất lượng cao với các dịch vụ kỹ thuật hiện đại, cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn khách sạn bệnh viện sẽ đi vào hoạt động trong năm 2016 đảm bảo phục vụ người bệnh với chất lượng cao nhất.
Về trang thiết bị, khi chuyển ra địa điểm mới, cùng với các trang thiết bị sẵn có, bệnh viện được đầu tư gói trang thiết bị với tổng kinh phí 16 tỷ đồng, trong đó có một số trang thiết bị hiện đại như máy chụp cắt lớp vi tính, máy thở, máy xét nghiệm, hệ thống mổ phaco…. Tuy nhiên, do phải phục vụ lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh đông nên các trang thiết bị đó xuống cấp nhanh chóng. Bệnh viện đã cố gắng bằng nhiều nguồnđể sửa chữa, trang bị thêm các trang thiết bị mới để đảm bảo công tác khám chữa bệnh như đầu tư hệ thống xét nghiệm sinh hóa, miễn dịch tự động, tốc độ cao, hệ thống mổ nội soi, hệ thống máy gây mê kèm thở, hệ thống thiết bị kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm… Đặc biệt, Bệnh viện được thụ hưởng Dự án từ nguồn trái phiếu Chính phủ và Dự án Norred nên đang được lắp đạt các trang thiết bị hiện đại nhất hiện nay ở tất cả các khoa, trong đó có hệ thống CT - Scaner 128 dãy, hệ thống MRI 1,5 tesla, hệ thống dao mổ siêu âm, hệ thống oxy trung tâm…
Về đội ngũ cán bộ lãnh đạo: Ban lãnh đạo Bệnh viện khi chuyển ra địa điểm mới năm 2003 gồm : đồng chí Ngô Xuân Điều - giám đốc Bệnh viện, đồng chí Nguyễn Đình Đồng - bí thư Đảng ủy, phó giám đốc, đồng chí Nguyễn Văn Tài - phó giám đốc. Năm 2006, bác sĩ Nguyễn Đình Đồng nghỉ hưu, đến năm 2006, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Hải được bổ nhiệm làm phó giám đốc. Năm 2008, bác sĩ Ngô Xuân Điều nghỉ hưu, bác sĩ Nguyễn Văn Tài được bổ nhiệm làm giám đốc. Năm 2010, do yêu cầu của ngành, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Hải được điều động làm phó giám đốc Sở Y tế, Bệnh viện bổ nhiệm đồng chí Hoàng Thị Vân làm phó giám đốc. Năm 2011, bệnh viện tiếp tục bổ nhiệm đồng chí Hà Hải Bằng làm phó giám đốc. Từ 01/10/2011 đồng chí Nguyễn Văn Tài chuyển công tác về Bệnh viện Đại Từ, đồng chí Đỗ Minh Thịnh được tỉnh điều động về làm giám đốc Bệnh viện tới nay. Hiện nay Ban giám đốc Bệnh viện gồm 4 đồng chí gồm: Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Minh Thịnh - Bí thư Đảng ủy, giám đốc Bệnh viện; Bác sĩ chuyên khoa II Hà Hải Bằng - Phó giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện; Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp; Bác sĩ chuyên khoa II Trương Mạnh Hà - Phó Giám đốc - Trưởng phòng Tổ chức hành chính
Về đội ngũ cán bộ viên chức: Hiện nay, tổng số cán bộ viên chức trong biên chế của Bệnh viện là 610, bao gồm 138 bác sĩ, trong đó có 16 bác sĩ chuyên khoa cấp II, 37 bác sĩ chuyên khoa cấp I, 5 thạc sĩ; 80 bác sĩ đa khoa, 28 dược sĩ (trong đó 03 dược sĩ chuyên khoa cấp I, 09 dược sĩ Đại học), 351 điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh và 66 đại học, cao đẳng, trung học khác. Các cán bộ viên chức của Bệnh viện được đào tạo cơ bản, có ý thức chính trị, tư tưởng lập trường vững vàng, có y đức tốt, trình độ chuyên môn giỏi, triển khai thực hiện được nhiều kỹ thuật, đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh trong tình hình mới. Đội ngũ cán bộ chủ chốt được đào tạo về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, quản lý bệnh viện, đảm nhiệm tốt nhiệm vụ quản lý, điều hành khoa, phòng. Nhằm nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ viên chức Bệnh viện đã áp dụng nhiều hình thức đào tạo như đào tạo theo chương trình của Bộ Giáo dục đào tạo như chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, thạc sĩ, đào tạo tại các trung tâm y khoa lớn, đào tạo dài hạn, ngắn hạn theo nhóm kỹ thuật, đào tạo theo dự án, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tại chỗ, tham gia và tổ chức các hội nghị, hội thảo, hội chẩn.
Về công tác quản lý điều hành: Tập thể lãnh đạo Bệnh viện luôn đoàn kết, nhất trí trong việc xây dựng chiến lược phát triển Bệnh viện, trong hoạt động điều hành, tập hợp và tạo được sự đồng thuận của toàn thể đội ngũ cán bộ viên chức toàn đơn vị xây dựng Bệnh viện ngày càng lớn mạnh. Bệnh viện đã thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng được văn hóa Bệnh viện, xây dựng các quy chế, quy trình chuẩn, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành Bệnh viện, đảm bảo Bệnh viện vững mạnh, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Về chức năng, nhiệm vụ, Bệnh viện đảm nhiệm được các chức năng: cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh; đào tạo cán bộ y tế, nghiên cứu khoa học về y học; chỉ đạo tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật, phòng bệnh, hợp tác quốc tế, quản lý kinh tế y tế. Về năng lực kỹ thuật, Bệnh viện thực hiện được các kỹ thuật của một Bệnh viện đa khoa hạng I tuyến tỉnh và hàng trăm kỹ thuật vượt tuyến. Hàng năm, Bệnh viện thực hiện hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chuyên môn (thường xuyên ở mức xấp xỉ 140% các chỉ tiêu được giao). Bệnh viện đã tạo được niềm tin yêu của nhân dân trên địa bàn, trở thành địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy cho người dân không chỉ trên địa bàn mà còn của một số khu vực của các tỉnh lân cận.
Ghi nhận những đóng góp, cống hiến của các thế hệ thầy thuốc trong những năm qua, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế và chính quyền đã tặng thưởng Bệnh viện các phần thưởng cao quý như huân chương lao động, cờ, bằng khen của Chính phủ, bằng khen của Bộ Y tế, của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, của Trung ương Đoàn, của Ủy ban nhân dân tỉnh và ngành Y tế Thái Nguyên.
Với vị thế là một bệnh viện lớn của một tỉnh trung tâm vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, trong những năm tiếp theo, Bệnh viện sẽ phấn đấu trở thành một Bệnh viện đa khoa đồng bộ, hiện đại mang tầm khu vực, phát triển mạnh, chuyên sâu các lĩnh vực sản phụ khoa, nhi khoa. Để đạt được mục tiêu đó, trong thời gian tới, Bệnh viện sẽ thực hiện một số giải pháp sau: thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho toàn thể cán bộ viên chức toàn bệnh viện, nâng cao y đức, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh; thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu”; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển cũng như nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng của nhân dân; xây dựng và chuẩn hóa các quy trình quản lý và quy trình kỹ thuật, nâng cao chất lượng Bệnh viện theo Bộ tiêu chí chất lượng do Bộ Y tế ban hành. Đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, tăng quy mô giường bệnh. Huy động mọi nguồn lực cho đầu tư và phát triển; thực hiện tốt công tác quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh.
Phát huy truyền thống vẻ vang 50 năm qua, với sự quan tâm, chỉ đạo có hiệu quả của Đảng bộ, Chính quyền tỉnh, sự phối hợp, giúp đỡ của các cấp ngành, sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của tập thể lãnh đạo và cán bộ viên chức toàn đơn vị, Bệnh viện A Thái Nguyên sẽ tiếp tục lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các khu vực lân cận, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.