Đái tháo đường thai kỳ (gestational diabetes) là tình trạng không dung nạp carbohydrate bắt đầu xuất hiện hoặc lần đầu được phát hiện trong quá trình có thai. Tần suất của đái tháo đường thai kỳ là khoảng 4-10% tổng số thai phụ.

      Đái tháo đường thai kỳ có thể gây những biến chứng cho cả mẹ, thai, trẻ sơ sinh và cả khi trẻ lớn lên. Đối với mẹ, đái tháo đường thai kỳ có thể gây tăng huyết áp, tiền sản giật, sản giật, đái tháo đường type 2 sau khi sinh, hội chứng chuyển hóa. Đối với thai, đái tháo đường thai kỳ có thể gây chứng khổng lồ, thai chết lưu, đẻ non; khi đẻ ra trẻ sơ sinh có thể bị suy hô hấp, hạ glucose máu, vàng da; khi lớn lên trẻ có thể bị béo phì, đái tháo đường type 2 hoặc hội chứng chuyển hóa. Chính vì vậy, việc chẩn đoán sớm đái tháo đường thai kỳ ở thai phụ để kịp thời điều trị, tránh các biến chứng cho cả mẹ và con là việc làm rất quan trọng và cần thiết.

      Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống (oral glucose tolerance test) có khả năng đánh giá sự sử dụng glucose. Nghiệm pháp này được sử dụng để chẩn đoán tiền đái tháo đường và bệnh đái tháo đường, đặc biệt là để phát hiện đái tháo đường thai kỳ.

1. Chỉ định

1.1. Trong lần khám thai đầu tiên

Cho làm xét nghiệm glucose máu lúc đói, HbA1c hoặc glucose máu ngẫu nhiên để sàng lọc đái tháo đường lâm sàng (clinical diabetes), đái tháo đường thai kỳ (gestational diabetes) hoặc bình thường.

1.2. Ở tuần thứ 24-28 của thai kỳ

Chỉ định nghiệm pháp dung nạp glucose. Nghiệm pháp có thể được chỉ định ở “tất cả các thai phụ hoặc các thai phụ có nguy cơ đái tháo đường thai kỳ cao” với các đặc điểm sau:

- Béo phì: chỉ số khối cơ thể (BMI) ≥ 30

- Tuổi trên 25

- Tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường

- Tiền sử bản thân có đái tháo đường thai kỳ trong lần mang thai trước.

- Trước đây đã sinh một bé nặng trên 4,1 kg hoặc một thai chết lưu không rõ nguyên nhân.
 

2. Cách tiến hành nghiệm pháp dung nạp glucose huyết đường uống

Khi tiến hành nghiệm pháp này cần chú ý:

      - Không tiến hành nghiệm pháp dung nạp glucose huyết cho những bệnh nhân đã được xác định glucose huyết tăng rõ ràng và có các triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết hoặc đã có 2 mẫu glucose huyết lúc đói > 7,0mmol/L, những bệnh nhân có bệnh cấp tính, những người suy dinh dưỡng mạn tính, những người nằm liệt giường từ 3 ngày trở lên.

      - Bệnh nhân ăn uống bình thường 3 ngày trước đó.

      - Không dùng các thuốc thuộc nhóm glucocorticoid, thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta giao cảm ít nhất 3 ngày trước khi làm nghiệm pháp.

      - Trước lúc làm nghiệm pháp phải nghỉ ngơi ít nhất 30 phút.

      Thử nghiệm được tiến hành vào buổi sáng sau khi nhịn đói sau ăn từ 10 – 14 giờ. Lấy máu xét nghiệm đường huyết lúc đói, sau đó cho bệnh nhân uống 75g glucose trong 5 phút. Định lượng glucose huyết tại thời điểm 1 và 2 giờ sau khi uống nước đường. Trong thời gian làm nghiệm pháp bệnh nhân có thể ngồi nhưng không được hút thuốc lá, uống cà phê.

3. Biện luận kết quả 

3.1. Trong lần khám thai đầu tiên

Trong lần khám thai đầu tiên, thực hiện các xét nghiệm glucose máu lúc đói, HbA1c hoặc glucose máu ngẫu nhiên.


*Theo tiêu chuẩn của Nhóm nghiên cứu của Hiệp hội Đái tháo đường và thai kỳ Quốc tế IADPSG (International Association of Diabetes and Pegnancy Study Groups)

      - Nếu một trong các giá trị glucose máu lúc đói > 7,0mmol/L, HbA1c > 6,5%, hoặc glucose máu ngẫu nhiên > 11,1mmol/L thì thai phụ bị đái tháo đường lâm sàng.

      - Nếu glucose máu lúc đói từ 5,1 đến 7.0 mmol/L thì thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ.

      - Nếu glucose máu lúc đói < 5,1mmol/L, đợi đến tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ, cho làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống để chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ.

 

3.2. Ở tuần thứ 24-28 của thai kỳ

Khi thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống, các kết quả ở thai phụ bình thường và đái tháo đường thai kỳ được thể hiện ở bảng 2.

**Theo tiêu chuẩn của Nhóm nghiên cứu của Hiệp hội Đái tháo đường và thai kỳ Quốc tế IADPSG (International Association of Diabetes and Pegnancy Study Groups) và Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ ADA (American Diabetes Association).

      - Nếu glucose máu lúc đói > 7,0mmol/L thì thai phụ bị đái tháo đường lâm sàng.

      - Nếu ≥1 các thông số ở bảng 2 lớn hơn giá trị nêu trên là đái tháo đường thai kỳ.

      - Ở thai phụ không bị đái tháo đường, cả 3 thông số đều nhỏ hơn các giá trị nêu trên.

Hiện tại, nghiệm pháp dung nạp đường huyết để phát hiện bệnh nhân đái tháo đường và đái tháo đường thai kỳ được thực hiện thường quy tại Bệnh viện A Thái Nguyên. Người bệnh hoặc thai phụ có nhu cầu có thể đến khám hoặc liên hệ trực tiếp với các Bác sĩ để được tư vấn, phát hiện và điều trị kịp thời.

SĐT liên hệ: Hotline: 02083.646820 – Khoa xét nghiệm Sinh hóa – Vi sinh, hoặc liên hệ trực tiếp BS Phạm Thanh Loan – Trưởng khoa Sinh hóa – Vi sinh Bệnh viện A Thái Nguyên – SĐT: 0977.404.196.

Ths.BS. Phạm Thanh Loan

Khoa Sinh hóa – Vi sinh Bệnh viện A Thái Nguyên

 

Share:

Tin bài liên quan