BỆNH VIỆN A THÁI NGUYÊN
KHOA CHẨN ĐOÁN HÌNH ẢNH
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI ĐI SIÊU ÂM
- Thông thường khám siêu âm có thể được thực hiện ngay mà không cần chuẩn bị như: Siêu âm tim, mạch máu, tuyến giáp, vùng mặt cổ, mắt, tuyến vú, phần mềm cơ khớp…
- Tuy nhiên, trong một số trường hợp nếu không chuẩn bị trước khiến cho việc thăm khám kéo dài hoặc phải lặp lại nhiều lần tạo cảm giác không thoải mái cho cả người thầy thuốc và bệnh nhân, để có kết quả tốt và tạo thuận lợi cho việc thăm khám siêu âm bệnh nhân cần lưu ý một số trường hợp sau:
+ Siêu âm ổ bụng tổng quát nên ăn nhẹ (bữa ăn cuối trước khi thăm khám, nên ăn các thức ăn dễ tiêu), tránh thức ăn nhiều dầu mỡ và thức ăn dễ sinh hơi gây đầy bụng, vì quá nhiều hơi sẽ làm hạn chế thăm khám bằng siêu âm.
+ Nên mặc đồ thoải mái, quần áo lỏng khi khám. Giữ im lặng trong quá trình chờ thăm khám, để bác sỹ có thể tập trung thăm khám tốt hơn.
+ Siêu âm khảo sát túi mật: nên nhịn ăn > 6 giờ trước khi khám siêu âm vì khi ăn, túi mật sẽ co nhỏ, gây khó thăm khám; nên có thể bỏ sót các tổn thương nhỏ.
+ Siêu âm khảo sát vùng tiểu khung: khảo sát niệu quản, bàng quang, tuyến tiền liệt, tử cung, buồng trứng và thai dưới 3 tháng cần nhịn tiểu đến khi căng bàng quang (cảm giác rất buồn tiểu)
+ Siêu âm khảo sát dạ dày, tụy: bệnh nhân cần uống nước trước khi khám.
+ Siêu âm đầu dò âm đạo (chỉ thực hiện ở phụ nữ đã có quan hệ tình dục): bệnh nhân phải đi tiểu hết để bàng quang không còn nước tiểu trước khi siêu âm.
./.