Là bệnh viện hạng I, những năm qua, bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, Bệnh viện A Thái Nguyên luôn quan tâm đến công tác kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK). Tuy không trực tiếp chăm sóc, điều trị cho người bệnh nhưng công việc bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và đặc biệt công tác quản lý chất thải y tế, vệ sinh môi trường bệnh viện của những con người ở đây không kém phần vất vả.

Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn mặc dù không thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh nhưng khoa KSNK luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Ban Giám đốc Bệnh viện, được bổ sung đầy đủ nhân lực theo vị trí việc làm, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị như: máy rửa dụng cụ, máy đóng gói, máy tiệt khuẩn máy giặt, máy sấy, máy là đồ vải…

Trước đây, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn chủ yếu thực hiện xử lý đồ vải và một số dụng cụ tái sử dụng lại thì nay khoa KSNK có một khối lượng công việc lớn hơn: xây dựng, phổ biến các hướng dẫn, quy định, quy trình, kế hoạch KSNK; giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện và các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây dịch; giám sát tuân thủ thực hành KSNK đối với nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh; hướng dẫn thực hiện vệ sinh tay; xử lý dụng cụ, quản lý đồ vải, quản lý chất thải y tế, vệ sinh môi trường bệnh viện…

  

Các CBNV khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn đang làm sạch dụng cụ y tế

 

Nhân viên khoa KSNK luôn đối mặt với nhiều nguy cơ lây nhiễm từ chất thải y tế

Mỗi ngày, khoa đảm bảo cung cấp đồ vải và dụng cụ vô khuẩn cho 40-50 ca phẫu thuật lớn, nhỏ; xử lý và giao nhận đến các khoa khoảng 450-500 bộ dụng cụ để thực hiện công tác chuyên môn; sản xuất và cung cấp nhiều chủng loại bông gạc thành phẩm… Đặc biệt, khoa KSNK xây dựng các quy trình xử lý dụng cụ ban đầu tại các khoa phòng gồm có dụng cụ chịu nhiệt, không chịu nhiệt, dụng cụ nội soi thăm dỏ chẩn đoán và quy trình xử lý dụng cụ tập trung tại khoa. Xây dựng quy trình quản lý đồ vải như quy trình thu gom, xử lý đồ vải thường, đồ vải lây nhiễm tại khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn theo đúng quy định để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.

  

Cán bộ Khoa KSNK gấp đồ vải và sản xuất bông gạc thành phẩm phục vụ công tác chuyên môn

 

  

Khoa KSNK phụ trách đóng gói, tiệt khuẩn, lưu trữ, cấp phát cho các khoa phòng sử dụng

Để đảm bảo thực hiện tốt khối lượng lớn công việc trong yêu cầu nghiêm ngặt về vô khuẩn, thời gian qua, khoa KSNK đã xây dựng kế hoạch làm việc cụ thể, có sự giám sát, tổng hợp hàng ngày tương ứng với từng đầu mục công việc. Khoa đã xây dựng và bước đầu ứng dụng phần mềm Google form vào hoạt động giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện, giám sát thực hành Kiểm soát nhiễm khuẩn và giám sát các gói phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện.

Ứng dụng phần mềm Google form vào hoạt động giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện

 

Vai trò kiểm tra, giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện, giám sát tuân thủ thực hành KSNK được đẩy mạnh. Khoa cũng tăng cường đào tạo, tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẩn và cách phân loại chất thải y tế cho nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, học viên thực tập tại bệnh viện cũng như các hoạt động cải tiến chất lượng.

ĐDCKI. Nguyễn Thị Tuyết - Trưởng Khoa KSNK, Bệnh viện A Thái Nguyên cho biết: "Khoa đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các khoa, phòng trong Bệnh viện để tiến hành giám sát quản lý và phân loại chất thải y tế, giám sát vệ sinh tay của nhân viên y tế, giám sát vệ sinh tay ngoại khoa của các phẫu thuật viên, giám sát nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn hô hấp. Tất cả đều có báo cáo giám sát hàng tháng, quý; phân tích số liệu từ đó đề xuất các giải pháp can thiệp kịp thời đảm bảo an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng”.

Ngành y tế ngày càng phát triển với những kỹ thuật tiên tiến, hiện đại do vậy, đòi hỏi công tác KSNK ngày càng tăng cao nhằm hạn chế tới mức thấp nhất nhiễm khuẩn bệnh viện. Bởi đằng sau thành công của mỗi ca bệnh luôn có những cống hiến thầm lặng của những người làm công tác KSNK.

Hà Linh, Kim Dung (P.CTXH)

 

Share:

Tin bài liên quan