Các bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện A Thái Nguyên mới đây đã tiếp nhận bệnh nhân L.T.N.B. (14 tuổi) vào viện trong tình trạng chảy máu hậu môn - trực tràng - âm đạo sau tai nạn xe máy.

Theo lời kể của gia đình, bệnh nhân bị tai nạn xe máy, không may bị vật cứng nhọn chọc vào hậu môn trực tràng khiến chảy nhiều máu, người nhà chưa xử trí gì và được đưa thẳng từ Định Hóa xuống Bệnh viện A. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng: Sốc mất máu, da nhợt nhạt, vã mồ hôi toàn thân, mạch quay nhanh nhỏ khó bắt, nhịp thở nhanh nông. Các bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp đánh giá đây là tình trạng sốc mất máu cấp do vết thương vùng Hậu môn, trực tràng, âm đạo nên  báo cáo ban giám đốc và tổ chức hội chẩn liên chuyên khoa: Ngoại, GMHS, Phụ-Sản và chỉ định phẫu thuật tối cấp cứu. Tại phòng mổ sau khi gây mê và truyền máu cấp cứu để hồi sức, tiến hành thăm khám tổn thương: Vết thương vùng Hậu môn trực tràng vị trí 11h xuyên qua thành sau âm đạo tổn thương vào thành bên âm đạo, kíp phẫu thuật đánh giá đây là vết thương Hậu môn – Trực tràng – Âm đạo phc tạp nên phối hợp 02 kíp mổ. Kíp mổ Khoa Ngoại tổng hợp do BS CKI. Nguyễn Đức Trịnh – Phó Trưởng khoa đã tiến hành mở ổ bụng kiểm tra tổn thương, phẫu tích đại tràng sích ma làm hậu môn nhân tạo, bộc lộ vết thương trực tràng, bơm rửa, cắt lọc khâu vết thương. Kíp mổ Khoa Phụ do BSCKII. Tống Kim Ngân – Phó Trưởng Khoa tiến hành phẫu thuật bộc lộ, cắt lọc vết thương âm đạo, tầng sinh môn, khâu phục hồi vết thương âm đạo, cơ thắt, cơ vòng hậu môn, khâu phục hồi tầng sinh môn.

Sau hơn 3 giờ phẫu thuật với sự phối hợp của 2 ê kíp, các bác sĩ đánh giá ca mổ thành công. Sau hơn 10 ngày phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân đã ổn định, ăn uống được và phục hồi tốt.

 

Kíp mổ Khoa ngoại tổng hợp do BS CKI. Nguyễn Đức Trịnh – Phó Trưởng khoa tiến hành phẫu thuật

 

 

Kíp mổ Khoa Phụ do BSCKII. Tống Kim Ngân – Phó Trưởng Khoa tiến hành phẫu thuật

Theo đánh giá của các bác sĩ tham gia phẫu thuật, đây là ca bệnh tổn thương tầng sinh môn phức tạp, hiếm gặp, nghiêm trọng, bệnh nhân bị mất máu nhiều. Do đó, việc thăm khám, chẩn đoán cần đánh giá đầy đủ, chính xác vị trí thương tổn, xử trí cấp cứu cần nhanh chóng, kịp thời để tránh nguy cơ sốc mất máu, nhiễm khuẩn, viêm phúc mạc đe dọa tính mạng người bệnh.

Tầng sinh môn là bộ phận cơ thể nằm giữa xương mu và xương cụt, bao gồm phần đáy chậu và các cấu trúc xung quanh, có chức năng bảo vệ, nâng đỡ các cơ quan trong vùng chậu như tử cung, âm đạo, trực tràng, bàng quang, hậu môn…Những tổn thương ở tầng sinh môn ở cả nam giới và nữ giới đều ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt hằng ngày và chất lượng cuộc sống.

Vì vậy, người bệnh không nên chủ quan với những vết thương ở tầng sinh môn do vật sắc nhọn hoặc tai nạn lao động… cần đến ngay cơ sở y tế có trang thiết bị hiện đại để được thăm khám, chẩn đoán chính xác và xử trí cấp cứu kịp thời các tổn thương, tránh các yếu tố nguy cơ khiến bệnh thêm nghiêm trọng như chảy máu, nhiễm trùng, ảnh hưởng đến tính mạng.

Để tránh những bị tổn thương vùng đáy chậu, người dân cần thận trọng khi lao động hoặc di chuyển, hạn chế nguy cơ bị trượt ngã hoặc ngồi phải những thứ sắc nhọn như gốc cây đã chặt, trụ đinh, trụ sắt... dễ gây ra những tai nạn nghiêm trọng.

Để tránh tình trạng sốc mất máu như trên chúng tôi khuyến cáo bệnh nhân sau tai nạn cần được đưa vào cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu, và chuyển lên tuyến trên bằng phương tiện ô tô cứu thương, không được di chuyển bệnh nhân bằng xe máy, hoặc ô tô gia đình để tránh các tổn thương thứ phát sau chấn thương ảnh hưởng xấu đến tính mạng.

Hà Linh, Mạnh Hùng (Phòng CTXH)

Share:

Tin bài liên quan