PGS. TS Lê Thị Thanh Nhàn hiện đang làm Hiệu phó của Trường Đại học Khoa học (ĐHTN). Năm 2011, chị là một trong những phụ nữ thuộc ngành Toán học Việt Nam được trao tặng Giải thưởng Kovalevskaia. Đây là một giải thưởng có ý nghĩa và là sự công nhận lớn lao đối với các nhà khoa học nữ Việt Nam.
Quỹ Giải thưởng Kovalevskaia do cặp vợ chồng Neal Koblitz - Ann Hibner (Mỹ) là tiến sĩ toán học sáng lập năm 1985. Quỹ dành cho các nhà nữ khoa học Việt Nam trong lĩnh vực tự nhiên. Ý tưởng sáng lập Quỹ này của cặp vợ chồng người Mỹ đã được sự ủng hộ nhiệt tình của Hội LHPN Việt Nam và bà Nguyễn Thị Bình (lúc đó đang làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục). Sau hơn 2 thập kỷ, Quỹ đã lựa chọn và trao giải cho 8 tập thể, 25 cá nhân có nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học. Năm 2011, Giải thưởng Kovalevskaia được trao cho 2 nữ PGS.TS là Vũ Thị Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Hoá học Công nghiệp Việt Nam và Lê Thị Thanh Nhàn, công tác tại Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên).
Do có nhiều thành tích đóng góp cho sự phát triển trên lĩnh vực Đại số Giao hoán ở Việt Nam và trên thế giới, năm 2005 Lê Thị Thanh Nhàn được Hội đồng chức danh GS, PGS Việt Nam phong tặng chức danh PGS, chị trở thành PGS trẻ nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Năm 2007, một vinh dự lớn đến với chị. Chị được trao giải thưởng khoa học Viện Toán học vì cụm công trình trong lĩnh vực Đại số Giao hoán. Đây là giải thưởng khoa học uy tín được trao 2 năm 1 lần cho không quá 2 nhà toán học Việt Nam dưới 40 tuổi. Quá trình công tác, chị được Bộ Giáo dục - Đào tạo, Thủ tướng Chính phủ, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam... trao tặng nhiều bằng khen.
Sinh ra trong một gia đình nền nếp, bố làm sĩ quan quân đội, mẹ làm giáo viên nên Nhàn thừa hưởng được những đức tính tốt đẹp của cả bố và mẹ. Chính vì vậy mà ngay cả khi khó khăn nhất trong cuộc sống, cô bé Nhàn và các anh, chị em trong gia đình vẫn siêng năng học tập. 16 tuổi, Nhàn trở thành nữ sinh của Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Ngày lên giảng đường, tối đi học thêm ngoại ngữ, năm 1990 chị tốt nghiệp loại giỏi ngành Toán và được giữ lại trường làm giảng viên. Hơn 10 năm sau, tại Viện Toán học Hà Nội chị bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ và chuyển sang công tác tại Trường Đại học Khoa học. Ở cương vị của người làm công tác quản lý, chị luôn cùng Ban giám hiệu Nhà trường chăm lo chỉ đạo công việc chuyên môn, tạo dựng tinh thần đoàn kết nội bộ và được anh chị em đồng nghiệp quý mến.
Tuy công việc của người làm công tác quản lý bận rộn, song chị luôn sắp xếp thời gian biểu làm việc hợp lý để tham gia công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, viết báo và các hoạt động xã hội khác. Cũng nhờ cách làm việc khoa học, sống ngăn nắp và say mê sáng tạo nên công việc chị làm luôn mang lại hiệu quả cao. PGS.TS Nông Quốc Chinh, Hiệu trường Nhà trường có nhận xét: PGS.TS Lê Thị Thanh Nhàn là người có tinh thần làm việc nghiêm túc, hiệu quả và là tấm gương sáng đối với đồng nghiệp và học trò của mình. Đặc biệt hằng tuần, PGS.TS Nhàn cùng một số đồng nghiệp tổ chức các buổi sinh hoạt seminar khoa học tại Đại học Thái Ngyuyên, nhằm qua đó phát triển một nhóm nghiên cứu mạnh về lĩnh vực Đại số của Đại học.
Ngoài việc tham gia quản lý tốt đơn vị, hằng năm chị còn trực tiếp tham gia hơn 300 giờ giảng và có nhiều bài báo được hội đồng khoa học đánh giá cao. Trong những năm vừa qua, PGS.TS Nhàn đã trực tiếp hướng dẫn 14 học viên làm luận văn thạc sĩ, 1 nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ và các học viên này đã bảo vệ thành công. Hiện chị đang tiếp tục hướng dẫn chính 2 nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ, hướng dẫn phụ 2 luận án tiến sĩ và hướng dẫn 3 học viên làm luận văn thạc sĩ. Trong nghiên cứu khoa học, đến nay chị Nhàn đã chủ nhiệm 1 đề tài khoa học cấp Nhà nước (ở Quỹ Nafosted), 2 đề tài khoa học cấp Bộ, công bố 16 công trình trên các tạp chí toán quốc tế có uy tín như: SCI, SCIE, Journal of Algebra và communications in Algebra, nhiều bài viết của chị được các nhà khoa học ở nhiều nước trên thế giới đánh giá cao. Tại nhiệm kì 2009-2013, chị được chọn vào Hội đồng khoa học ngành Toán của Quỹ Phát triển khoa học và Công nghệ Quốc gia. Hội đồng này gồm 11 thành viên có thành tích công bố quốc tế xuất sắc trong toán học.