MỘT PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ THOÁI HÓA KHỚP GỐI
Tiêm chất nhờn điều trị thoái hóa khớp gối là phương pháp được áp dụng điều trị bệnh thoái hóa khớp gối tại bệnh viện A Thái Nguyên. Đây là phương pháp điều trị có tính an toàn và hiệu quả lâu dài. Chất nhờn được đưa vào khớp gối có tác dụng giảm đau, chống viêm và cải thiện chức năng khớp, giúp bệnh nhân phục hồi vận động khớp gối.
Ý nghĩa của Acid hyaluronic đối với khớp gối
Bình thường, khớp gối chứa khoảng 2ml dịch khớp. Trong đó, Acid Hyaluronic (AH) là một polysacharid có trong thành phần dịch khớp chiếm hàm lượng từ 2,5 – 4,0mg/ml. Acid Hyaluronic được tổng hợp bởi tế bào sụn, có tác dụng bôi trơn mô mềm và phủ đều trên bề mặt sụn khớp để giúp giảm xóc nảy, bôi trơn ổ khớp và bảo vệ khớp. Khi khớp gối bị thoái hóa, số lượng và chất lượng của Acid Hyaluronic trong dịch khớp bị giảm chỉ còn lại 1/2 hoặc 2/3 so với lượng Acid Hyaluronic trong dịch khớp của người bình thường. Vì vậy, dịch khớp cũng bị suy giảm về độ nhớt, độ đàn hồi và khả năng bảo vệ sụn khớp, khớp gối càng bị thoái hóa nghiêm trọng và dẫn đến phá hủy khớp.
* Tác dụng của phương pháp tiêm chất nhờn AH trong điều trị thoái hóa khớp gối
Thông thường, để điều trị những đợt cấp của bệnh thoái hóa khớp, người ta thường sử dụng các thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không không steroid để cải thiện các triệu chứng của thoái hóa khớp gối. Tuy nhiên, việc sử dụng các thuốc này về lâu dài có thể gây ra một số tác dụng phụ như loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa hoặc gây hại cho sụn khớp thường gặp ở các thuốc chống viêm không steroid (indometacin), làm trầm trọng hơn bệnh thoái hóa khớp. Đối với một một số trường hợp nặng, việc sử dụng thuốc lại không mang đến hiệu quả và phẫu thuật thay khớp gối được coi là biện pháp cuối cùng để điều trị thoái hóa khớp gối.
Việc tiêm bổ sung Acid Hyaluronic vào khớp gối bị thoái hóa sẽ làm tăng kéo dài nồng độ và trọng lượng phân tử của Acid Hyaluronic nội sinh. Đồng thời giảm sản sinh các hóa chất gây viêm trong dịch khớp như PE G2, bradykinin; ngăn chặn tác dụng của cytokyne và ngăn chặn sinh tổng hợp PGE2; tăng sinh tổng hợp của tế bào sụn khớp; ức chế cảm thụ đau ở bệnh nhân. Từ đó giúp bệnh nhân giảm đau, chống viêm và cải thiện chức năng của khớp gối.
* Chỉ định điều trị
Thoái hóa khớp gối ở mức độ trung bình đến nặng vừa.
* Chế phẩm thuốc:
Có nhiều loại thuốc chứa Acid Hyaluronic, phổ biến nhất là dạng ống chứa 2- 2,5ml AH.
* Liều lượng sử dụng:
1 ống trong 1 tuần và dùng liên tục trong 5 tuần.
* Lưu ý:
- Đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn vô trùng
- Nếu khớp gối có dịch thì phải được hút ra rồi mới tiến hành thủ thuật.
- Thuốc chỉ có hiệu quả khi tiêm hết 3 lần hoặc 5 tuần và có độ dung nạp tốt.
- Một số ít trường hợp bị đau ở vị trí tiêm, phản ứng viêm tại chỗ, đau cơ, đau khớp hoặc cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, các dấu hiệu này sẽ lùi dần sau 2-3 ngày và chỉ xuất hiện ở lần tiêm đầu tiên, các lần sau bệnh nhân hoàn toàn bình thường.
BS Nguyễn Thị Quyết – Phó Khoa Nội Tổng hợp