Ngày 8/5 – Ngày Thalassemia Thế giới được tổ chức hàng năm nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) – một căn bệnh di truyền nghiêm trọng, có thể phòng ngừa nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn. Chủ đề của sự kiện năm 2025 là "Chung tay phòng bệnh tan máu bẩm sinh vì sức khỏe cộng đồng và tương lai đất nước".
1. Thalassemia là gì?
Thalassemia là bệnh thiếu máu tan máu di truyền, gây ra do giảm hoặc mất hẳn sự tổng hợp của một loại chuỗi globin. Đây là bệnh di truyền gen lặn, gây ra thiếu máu nhiều và thường xuyên dẫn đến thiếu máu mạn tính. Người mắc bệnh thể nặng thường phải truyền máu định kỳ suốt đời, kèm theo đó là điều trị thải sắt và nhiều biến chứng về gan, lách, tim, nội tiết, xương khớp, ... Bệnh gặp ở cả nam và nữ.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 13 triệu người mang gen Thalassemia, mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ sinh ra mắc bệnh thể nặng. Đây là một gánh nặng về y tế và kinh tế cho gia đình và xã hội.
2. Cách phòng ngừa bệnh Thalassemia:
Điều quan trọng là phát hiện sớm người mang gen bệnh thông qua xét nghiệm sàng lọc, đặc biệt là các đối tượng sau:
- Lứa tuổi tiền hôn nhân.
- Độ tuổi sinh đẻ.
- Học sinh, sinh viên.
- Các cặp vợ chồng trước hôn nhân.
- Phụ nữ đang mang thai 3 tháng đầu.
- Người có tiền sử thiếu máu kéo dài, không rõ nguyên nhân
Khi cả hai vợ chồng cùng mang gen bệnh, nguy cơ sinh con bị Thalassemia thể nặng lên tới 25%. Trong trường hợp này, việc tư vấn di truyền và sàng lọc trước sinh là rất quan trọng để có quyết định sinh sản phù hợp.
Hiện nay, Khoa Huyết học - Truyền máu, bệnh viện A Thái Nguyên đã thực hiện thường quy các hoạt động như:
- Tư vấn trực tiếp về bệnh Thalassemia.
- Thực hiện xét nghiệm sàng lọc Thalassemia.
- Phối hợp liên chuyên khoa giữa Khoa Huyết học - Truyền máu, Khoa Sản và Đơn nguyên Sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh nhằm hỗ trợ chẩn đoán sớm và tư vấn di truyền cho các thai phụ mang gen bệnh.
- Chia sẻ tài liệu truyền thông dễ hiểu để người bệnh tiếp cận thông tin đúng đắn về căn bệnh này.
- BSCKI Đào Thị Lan – Trưởng khoa Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện A cho biết: “Việc xét nghiệm sàng lọc trước khi kết hôn hoặc mang thai là biện pháp đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả để tránh sinh ra những đứa trẻ mắc Thalassemia thể nặng. Chúng tôi khuyến khích người dân chủ động kiểm tra sức khỏe di truyền – đó là sự chuẩn bị trách nhiệm cho tương lai của con em mình.”
BSCKI Đào Thị Lan – Trưởng khoa Huyết học - Truyền máu đang tư vấn về bệnh Thalassemia
Nhân viên khoa Huyết học - Truyền máu đang vận hành máy xét nghiệm
Để biết thêm thông tin và được tư vấn về dịch vụ xét nghiệm bệnh Thalassemia vui lòng liên hệ khoa Huyết học - Truyền máu:
- Bs Đào Lan – Trưởng khoa: 0977.300.354
- Hotline: 0826.534.222
Tin bài: Huy Tiến – Mạnh Hùng P.CTXH