"Đau như đau đẻ" đó là câu ví von  đủ để nói lên nỗi đau không gì sánh được, kéo dài liên tục nhiều giờ, thậm chí cả ngày mà người phụ nữ khi "vượt cạn" phải tự mình trải qua. Nỗi đau đó thậm chí đã  ám ảnh một số bà mẹ trẻ tới mức không dám sinh con nữa.
          “Đẻ không đau” là một thuật ngữ nói về việc giảm đau cho sản phụ bằng các kỹ thuật dùng thuốc và không dùng thuốc. Với sự tiến bộ của y học, ngày nay kỹ thuật được ưa chuộng nhất là “Gây tê ngoài màng cứng liên tục”(NMC). Các bác sĩ Gây mê hồi sức (GMHS)  đặt 1 Catheter ngoài màng  cứng, qua một bơm tiêm điện,  để bơm 1 lượng thuốc tê nhỏ liên tục vào khoang ngoài màng cứng bao bọc xung quanh tủy sống giúp giảm đau khi chuyển dạ. Lượng thuốc tê ở nồng độ thấp này chỉ ức chế cảm giác làm cho sản phụ không phải chịu cơ đau, sản phụ vẫn vận động bình thường, các yếu tố khác của cuộc chuyển dạ vẫn diễn ra sinh lý. Khi sản phụ không phải chịu đau sẽ  đỡ mất sức, cuộc chuyển dạ sẽ diễn  ra nhẹ nhàng hơn, nhanh hơn, và do đó em bé ít bị ảnh hưởng do một cuộc chuyển dạ kéo dài. Kỹ thuật này được áp dụng tại Pháp từ những năm 1970. Ở nước ta Bệnh viện Phụ Sản Hùng Vương đã thực hiện những ca đầu tiên vào năm 1987, Sau đó đã được áp dụng khá rộng rãi ở một số bệnh viện lớn như: Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương…hàng chục ngàn sản phụ đã được đón nhận niềm hạnh phúc lớn lao nhất của người mẹ mà không phải trải qua đau đớn.
          Gây tê NMC sẽ giúp sản phụ chuyển dạ sẽ trở nên nhẹ nhàng, sản phụ sẽ hoàn toàn thoải mái và cảm nhận được từng giai đoạn của cuộc đẻ và không bị mất sức.
          Nhờ tác dụng của thuốc giảm đau, bác sĩ sản khoa có thể chỉ huy được cuộc đẻ theo cách tốt tốt nhất cho mẹ và thai. Trong trường hợp phải mổ lấy thai cấp cứu do các yếu tố khác của cuộc chuyển dạ thì có thể sử dụng chính Catheter này để làm vô cảm.

Tất cả các sản phụ khi  chuyển dạ đều có thể thực hiện kĩ thuật này với 03 điều kiện sau:
- Hoàn toàn tự nguyện.
- Bác sĩ gây mê khám xác định đủ sức khoẻ, không có chống chỉ định gây tê ngoài màng cứng.
- Bác sĩ sản khoa khám tiên lượng có thể để được đường tự nhiên. Như vậy các sản phụ khoa bệnh về cột sống, dị ứng thuốc tê, bệnh về tim mạch v.v… và các sản phụ đã có lần mổ lấy thai trước hoặc mổ ở tử cung, ngôi thai bất thường (ngôi ngang, ngôi ngược), khung chân hẹp, thai to không tương xứng với khung chậu v.v… sẽ không thực hiện kĩ thuật đẻ không đau.

Cũng như tất cả các thủ thuật y khoa khác thủ thuật này cũng có một số tác dụng không mong muốn ở một số ít sản phụ đó là: nôn, buồn nôn, hạ huyết áp nhẹ, đau hoặc chảy máu tại vết kim nơi tiêm, bí tiểu tiện sau đẻ. Các biểu hiện này sẽ hết nhanh chóng.  Biến  chứng tiêm thuốc  vào mạch máu cực kỳ hiếm gặp
            Bệnh viện A Thái Nguyên – là bệnh viện đầu tiên và duy nhất tại Thái Nguyên áp dụng kỹ thuật đẻ không đau. Bệnh viện đã cử các kíp gồm bác sĩ gây mê hồi sức, bác sĩ sản khoa đi học kỹ thuật này từ 2008 tại Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ca đầu tiên được áp dụng từ 12/8/2008, đến nay đã thực hiện được hàng ngàn ca với hiệu quả cao, an toàn, mang lại niềm hạnh phúc cho các bà mẹ.

Sản phụ Vũ Thị Thanh Dung ( Đại Từ - Thái Nguyên) sau khi sinh bằng kỹ thuật đẻ không đau đã chia sẻ: “ Vì sinh con lần đầu nên tôi luôn lo lắng vì nhiều người nói không gì đau bằng đau đẻ, nhưng khi nhập viện, sau khi các bác sỹ khám tổng thể và đã tư vấn cho tôi, tôi đã lựa chọn kỹ thuật đẻ không đau, quả thật tôi không có cảm giác đau đớn trong lúc sinh và bây giờ cảm thấy vô cùng hạnh phúc với cô con gái đầu lòng của mình”. Nụ cười của người mẹ trẻ chính là sự thành công của kỹ thuật này và cũng là nguồn động viên những thầy thuốc nơi đây./.
 

Hồng Tuyến.

Share:

Tin bài liên quan