Bệnh viện A Thái Nguyên vừa phẫu thuật thành công một ca đa chấn thương nặng và hiếm gặp cho bệnh nhân nam 40 tuổi bị tai nạn giao thông khiến bệnh nhân bị vỡ xương bả vai và gãy xương đòn, tràn khí khoang màng phổi.
Trước đó, khoảng 18h giờ 14 phút ngày 18/06, bệnh nhân Nguyễn S. N. trú tại xã Sơn Cẩm, TP Thái Nguyên được người thân đưa đến bệnh viện A Thái Nguyên sau tai nạn giao thông, trong tình trạng đa chấn thương nặng. Sau thăm khám, và dựa vào các kết quả cận lâm sàng, người bệnh được chẩn đoán: Tràn khí khoang màng phổi phải, gãy 1/3 giữa xương đòn phải, vỡ xương bả vai phải; gãy cung bên xương sườn 2/3/4/5/6 bên phải, cung sau xương sườn 4/5/6 bên phải.
Ảnh chụp 3D mặt trước, mặt nghiêng và mặt sau chỗ vỡ xương bả vai và gãy xương đòn của bệnh nhân
Từ ngày 18/6 đến ngày 27/6 bệnh nhân N. được điều trị tại khoa Ngoại chấn thương – Bệnh viện A, theo dõi sát tình trạng chấn thương, phẫu thuật dẫn lưu tối thiểu khoang màng phổi để ổn định tình trạng hô hấp đồng thời điều trị tích cực các tổn thương khác, chỉ định phẫu thuật kết hợp xương điều trị gãy xương khi tình trạng bệnh nhân ổn định.
Ngày 28/6, trong khoảng 3h đồng hồ, bệnh nhân được Thạc sỹ, bác sỹ Trần Bình Ngọc – Phó trưởng Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện A và ê kíp phẫu thuật kết hợp xương vỡ xương bả vai phải và phẫu thuật kết hợp xương gãy xương đòn phải cùng một lúc. Đây là một ca bệnh phẫu thuật đặc biệt khi thực hiện kết hợp xương cùng lúc để giảm đau đớn và biến chứng cho bệnh nhân và kết hợp xương vai là kết hợp xương khó.
Kết hợp xương bằng nẹp vis là phương pháp phẫu thuật xương khớp thường được chỉ định áp dụng cho các trường hợp bị gãy ở đầu xương, gãy xương phạm khớp, gãy nát nhiều tầng thân xương, không thể đóng đinh nội tủy có bắt chốt ngang được. Không chỉ kết hợp được xương dài, phương pháp kết hợp xương bằng nẹp vis còn có thể cố định hoặc thay thế các xương bản rộng như xương sọ, xương bả vai, xương chậu… khi bị vỡ, gãy hoặc mất xương.
Theo chia sẻ của Thạc sỹ, bác sỹ Trần Bình Ngọc – Phó trưởng Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện A: “Đây là một ca tai nạn giao thông với những chấn thương hết sức phức tạp, tổn thương nhiều vị trí, đòi hỏi các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm cũng như phối hợp nhịp nhàng với các bác sỹ chuyên khoa gây mê hồi sức để có thể thực hiện mổ kết hợp xương cùng 1 lúc và đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Nếu như trước đây, với phương pháp phẫu thuật cũ hay nắn chỉnh bó bột, đắp lá… bệnh nhân vẫn khó có thể cử động tay được nhưng hiện nay với sự phát triển của y học hiện đại, phương pháp phẫu thuật kết hợp xương bằng nẹp vis đã giúp bệnh nhân có thể nhanh chóng cử động trở lại sinh hoạt bình thường.”
Ảnh chụp X-quang xương đòn và xương bả vai phải bệnh nhân sau phẫu thuật kết hợp xương bằng nẹp vis
Các bác sĩ cũng lưu ý, khi bệnh nhân bị chấn thương vùng chi trên nếu phải phẫu thuật thì sau mổ phải theo dõi biến chứng, thường gặp là nhiễm trùng và tổn thương thần kinh, mạch máu. Mang đai nẹp bảo vệ trong giai đoạn đầu và tập phục hồi chức năng. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân bị tai nạn nên thực hiện chế độ ăn nhiều đạm và chất xơ, uống nhiều nước, không nên kiêng khem. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được đeo đai và nẹp cố định, chăm sóc và theo dõi vết thương. Bệnh nhân không được hút thuốc lá (liên quan đến yếu tố liền xương) và các nguy cơ khác liên quan đến việc gãy nẹp. Thông thường, bệnh nhân sẽ nằm viện theo dõi 1 tuần, xuất viện hẹn tái khám sau 2 tuần. Trong thời gian hậu phẫu, bệnh nhân phải tập vật lý trị liệu.
Thạc sỹ, bác sỹ Trần Bình Ngọc – Phó Trưởng Khoa Ngoại chấn thương thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật
Thời gian qua, nhờ vào trang thiết bị hiện đại như hệ thống máy chụp CT 128 dãy, máy chụp cộng hưởng từ 1.5 Tesla, hệ thống máy chụp C.arm trong mổ cùng với việc được đào tạo chuyên môn bài bản tại các trung tâm chấn thương chỉnh hình lớn trên cả nước như Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy… đã giúp các bác sĩ Khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện A Thái Nguyên thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật khó. Đồng thời triển khai đưa vào thường quy các kỹ thuật cao như: phẫu thuật sọ não, phẫu thuật cột sống, kết hợp xương vùng khung chậu - ổ cối, kết hợp xương bả vai, nội soi khớp… mang đến hiệu quả điều trị tích cực nhất, vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe người dân.
Hà Linh, Mạnh Hùng (Phòng CTXH)