Ngày 9/8, Bệnh viện A Thái Nguyên tổ chức sinh hoạt khoa học chuyên đề “Đánh giá hiệu quả lâm sàng của sự phối hợp PIVKA II & AFP trong giám sát ung thư biểu mô tế bào gan nguyên phát”. Báo cáo viên là TS.BS Vũ Thị Thu Hương - Trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tham dự buổi sinh hoạt khoa học có Bác sĩ CKII Nguyễn Đức Trường – Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên, các bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh và dược sỹ tại các khoa lâm sàng, cận lâm sàng và các phòng chức năng của Bệnh viện A.

Bác sĩ CKII. Nguyễn Đức Trường – Phó Giám đốc Bệnh viện dự và chủ trì buổi sinh hoạt khoa học

Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, TS.BS Vũ Thị Thu Hương - Trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã trình bày các chuyên đề với nội dung: Nguyên nhân Ung thư gan & ung thư tế bào gan nguyên phát (HCC); Đối tượng nguy cơ cao trong giám sát HCC; Giới hạn của các phương pháp giám sát hiện nay; Sự phối hợp AFP & PIVKA-II trong giám sát HCC...

TS.BS Vũ Thị Thu Hương - Trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trình bày các chuyên đề tại buổi sinh hoạt khoa học

Theo đó, Ung thư gan là ung thư có tỷ lệ mới mắc và tử vong hàng đầu Việt Nam với số mới mắc: 26.418 (14,5%) Việt Nam ở vùng dịch tễ viêm gan siêu vi B, C. Đa số bệnh nhân phát hiện muộn, thiếu biện pháp điều trị hiệu quả. Cần cải thiện dự phòng, chẩn đoán sớm, và liệu pháp điều trị mới. Các phương pháp sàng lọc sớm ung thư gan hiện nay gồm:

  • Siêu âm: dễ thực hiện, chi phí thấp, được sử dụng phổ biến, phần lớn các HCC phát triển từ xơ gan nên việc theo dõi siêu âm ở bệnh nhân mắc bệnh gan mạn tính tiến triển cần được thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, do hiệu quả của siêu âm phụ thuộc vào người thực hiện, hiệu quả giảm đi ở những bệnh nhân thừa cân và béo phì và không đạt mức tối ưu trong phát hiện sớm HCC, nên cần thêm các dấu ấn sinh học khác.
  • AFP: là một glycoprotein bình thường được sản xuất trong khi có thai trong túi noãn hoàng và trong gan của bào thai. Nếu thai phát triển bình thường, nồng độ AFP được tìm thấy trong huyết thanh của mẹ sẽ tăng lên, và chỉ một lượng không đáng kể AFP vẫn còn lại trong dòng tuần hoàn sau sinh. Nồng độ AFP huyết thanh giảm nhanh sau khi sinh và khi trưởng thành chỉ còn < 9 ng/mL. AFP cũng được coi như một chất chỉ điểm u đối với một số loại ung thư (nhất là ung thư gan nguyên phát). Nồng độ AFP thường tăng cao ở bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan, tuy nhiên cũng có thể tăng trong viêm gan mạn tính hoặc xơ gan, ung thư dạ dày, ung thư phổi... Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng độ nhạy chẩn đoán HCC của AFP chỉ đạt 39-45% và độ đặc hiệu là 76-94%.
  • PIVKA-II: là dạng bất thường của des-carboxylated prothrombin (DCP) được tạo ra do sự thiếu hụt vitamin K hoặc ở bệnh nhân được điều trị bằng warfarin hay phenprocoumon. Des-carboxylated prothrombins bị khuyết chức năng do không thể gắn kết với canxi và phospholipid. Xác định nồng độ PIVKA-II giúp phát hiện tình trạng thiếu hụt Vitamin K trước khi kết quả xét nghiệm đông máu thường quy thay đổi hoặc xảy ra xuất huyết. PIVKA-II không xuất hiện ở người bình thường, nhưng ở người bị bệnh gan và gan ác tính, PIVKA-II có thể xuất hiện dù cơ thể không bị thiếu hụt vitamin K. Nồng độ PIVKA-II được xác định để hỗ trợ chẩn đoán và tiên lượng ở bệnh nhân bị HCC và theo dõi bệnh nhân HCC trong quá trình điều trị.

      

    Sinh hoạt chuyên đề góp phần cập nhật các kiến thức mới trong giám sát ung thư biểu mô tế bào gan nguyên phát

    Xét nghiệm AFP và PIVKA II phối hợp với siêu âm ổ bụng là xét nghiệm hiệu quả, có độ đặc hiệu cao, đơn giản dễ thực hiện để phát hiện ung thư biểu mô tế bào gan giai đoạn sớm. Phối hợp PIVKA-II, AFP và SA làm tăng 36% độ nhạy phát hiện HCC. Các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh ung thư gan như nam giới trên 50 tuổi có mắc viêm gan B hoặc viêm gan C, xơ gan, bệnh gan nhiễm mỡ là những đối tượng cần được thăm khám sàng lọc định kì để phát hiện sớm bệnh ung thư gan.

    Thông qua buổi sinh hoạt chuyên đề đã góp phần cập nhật các kiến thức mới nhất cho các y, bác sỹ về hiệu quả lâm sàng của sự phối hợp PIVKA II & AFP trong giám sát ung thư biểu mô tế bào gan nguyên phát, qua đó giúp nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân trong và ngoài tỉnh.

    Hiện nay, Bệnh viện A Thái Nguyên cung cấp các Gói khám tầm soát và phát hiện sớm ung thư phù hợp với nhiều đối tượng có nguy cơ mắc bệnh khác nhau trong đó có gói tầm soát ung thư gan – phát hiện sớm ung thư từ khi chưa có triệu chứng. Bệnh viện A Thái Nguyên cũng là một trong những cơ sở y tế có đội ngũ chuyên gia y tế nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ung bướu, phương tiện máy móc hiện đại. Đó sẽ là những điều kiện tốt giúp cho việc sàng lọc phát hiện sớm ung thư gan được nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm thời gian. Nhờ đó có thể sàng lọc bệnh lý ung thư gan, giúp phát hiện giai đoạn sớm ung thư gan để từ đó có biện pháp điều trị thích hợp, kịp thời. Người dân có nhu cầu được tư vấn và hỗ trợ khám tầm soát, xét nghiệm phát hiện sớm bệnh ung thư tại Bệnh viện A vui lòng liên hệ theo địa chỉ:

    Bệnh viện A Thái Nguyên - Đường Quang Trung, phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên

    Khoa Giải phẫu bệnh: 0843561222

    Ths. Bác sĩ Nghiêm Chí Cương – Trưởng Khoa Giải phẫu bệnh: 0976876482

    Khoa Sinh hóa – Vi sinh: 0888228466

    BS Phạm Thanh Loan – Trưởng Khoa Sinh hóa – Vi sinh: 0945030285

    Hà Linh, Mạnh Hùng (Phòng CTXH)

Share:

Tin bài liên quan