Trẻ sơ sinh được gọi là sơ sinh non tháng khi ra đời trước 37 tuần tuổi thai. Có khoảng 12% trong tổng số trẻ được sinh ra là trẻ non tháng. Trẻ ra đời trước 28 tuần là sinh cực non, ra đời trong khoảng 28 - 34 tuần là sinh non tháng và trẻ chào đời ở thời điểm 34 - 37 tuần là sinh non muộn.

          Tại Khoa Nhi Bệnh viện A Thái Nguyên hàng năm điều trị và chăm sóc hàng trăm trẻ sơ sinh non tháng, cực non tháng. Là Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Nhi Trung Ương đơn vị đã được thụ hưởng chuyển giao các kỹ thuật chuyên sâu, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng đủ nhu cầu điều trị và chăm sóc nhi khoa như: Kỹ thuật đặt Catheter động mạch theo dõi huyết áp động mạch, Chụp CT- Scaner, Siêu âm thóp trẻ em, Nội soi phế quản, Cấp cứu nhi khoa cơ bản, kỹ thuật thay máu sơ sinh, đảm bảo chất lượng kiểm soát hóa sinh lâm sàng. Các gói kỹ thuật chăm sóc nhi khoa như: Hồi sức sơ sinh cơ bản, hồi sức sơ sinh năng cao, cấp cứu nhi cơ bản và nâng cao, các phẫu thuật ngoại nhi: Phẫu thuật lồng ngực, phẫu thuật gãy xương trong chấn thương, gói kĩ thuật Nội soi nhi khoa. Trẻ sơ sinh non tháng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe trên các hệ cơ quan hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, thần kinh và thể trạng non yếu của trẻ...

(Ảnh: Bác sỹ thăm khám tại đơn nguyên sơ sinh khoa Nhi Bệnh viện A)

* Trẻ sơ sinh non tháng có đặc điểm:

- Khả năng dự trữ và điều hòa hệ nội môi chưa hoàn chỉnh: Bé dễ bị hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, hạ canxi huyết;

- Hệ miễn dịch còn khiếm khuyết do thiếu kháng thể truyền từ mẹ, nhiễm trùng bào thai gây sinh non, thủ thuật gây nhiễm trùng bệnh viện: Bé dễ bị viêm phổi, viêm màng não, viêm khớp, nhiễm trùng huyết;

- Hệ hô hấp (gồm phổi và trung khu hô hấp) chưa trưởng thành, thiếu chất hoạt động bề mặt (surfactant), các phế nang chưa hình thành đầy đủ, thành ngực không ổn định, cơ hô hấp yếu: Trẻ có nguy cơ xuất hiện các cơn ngưng thở hoặc mắc bệnh màng trong, mắc bệnh phổi mạn tính;

- Hệ tiêu hóa: Phản xạ bú, nuốt yếu; chậm hấp thu dưỡng chất và hệ tiêu hóa dễ bị tổn thương; gan chưa trưởng thành. Vì vậy, bé có nguy cơ gặp phải các vấn đề như hít sặc, trào ngược dạ dày - thực quản, liệt ruột cơ năng, viêm ruột hoại tử, vàng da sớm và có nguy cơ vàng da nhân;

- Hệ tim mạch chưa hoàn chỉnh: Bé có thể vẫn tồn tại ống động mạch, chậm nhịp tim, huyết áp không ổn định;

- Não: Trẻ dễ bị xuất huyết não, nhũn não, cơn ngưng thở, phản xạ bú/nuốt yếu hoặc không biết;

- Huyết học: Trẻ có nguy cơ bị thiếu máu, nhiễm trùng;

- Thận: Trẻ dễ bị ngộ độc thuốc, mất nước hoặc rối loạn điện giải;

- Vấn đề khác: Cơ quan sinh dục chưa phát triển, bệnh lý võng mạc trẻ sinh non, co giật, chậm phát triển chiều cao, cân nặng,...

          Tùy tuổi thai, cân nặng và bệnh lý mắc phải mà trẻ sơ sinh non tháng có thể cần chăm sóc và các phương tiện hỗ trợ khác nhau. Các phương tiện chăm sóc bao gồm:

- Lồng ấp hoặc giường sưởi.

- Dụng cụ theo dõi nhịp tim và oxy máu

- Dụng cụ hỗ trợ hô hấp.

- Các dụng cụ để thiết lập đường truyền tĩnh mạch: Truyền thuốc- dịch.

- Ống thông dạ dày

- Kháng sinh, thuốc

- Sữa mẹ.

- Chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng, cực non tháng theo phác đồ chăm sóc toàn diện.

- Chụp X-quang, xét nghiệm máu.

Chăm sóc toàn diện là phác đồ điều trị sơ sinh non tháng, cực non tháng)

(Ảnh:Tại Đơn nguyên sơ sinh, khoa Nhi Bệnh viện A )

 Điển hình ca bệnh: Bệnh nhi H.T.A. địa chỉ Kim Phượng, Định Hóa Thái Nguyên

Tiền sử: Mẹ sinh thường, 30 tuần tuổi, cân nặng lúc sinh 1100g.

Chẩn đoán sau sinh:Sơ sinh non tháng/ Suy hô hấp nặng.

           Bệnh nhi được chuyển đơn nguyên sơ sinh khoa Nhi điều trị. Tại Đơn nguyên sơ sinh, trẻ được nằm lồng ấp, thở máy CPAP, bơm thuốc Surfactant vào phổi qua ống nội khí quản điều trị bệnh màng trong, truyền máu nhiều lần, dùng kháng sinh tích cực, phác đồ chăm sóc tích cực,toàn diện. Sau 12 ngày điều trị tại khoa, trẻ được khám và phát hiện mắc bệnh võng mạc ở trẻ sinh non, được chỉ định tiêm thuốc nội nhãn. Sau 21 ngày điều trị, trẻ có thể tự thở đều, bú bình được 200-300 ml sữa/ngày, cân nặng tăng đạt 1700g và có chỉ định xuất viện. Đây chỉ là  một trường hợp sơ sinh non tháng được điều trị thành công tại khoa trong rất nhiều các trường hợp sơ sinh non tháng khác. BS CKI Nguyễn Thị Yến- Trưởng khoa Nhi chia sẻ: Trẻ đẻ thấp cân và non tháng dễ bị nhiễm khuẩn, có tỉ lệ tử vong cao (chiếm 80% tổng số tử vong chu sinh). Việc nuôi dưỡng rất khó khăn và tốn kém, việc chăm sóc phải rất tỉ mỉ, chu đáo, đòi hỏi có kỹ thuật, kinh nghiệm và chuyên môn theo chuẩn phác đồ điều trị,chăm sóc toàn diện. Điều trị,chăm sóc đúng cách cho trẻ sinh non sẽ giúp bé phát triển toàn diện, bắt kịp đà tăng trưởng như các bé sinh đủ tháng. Nhưng với những trẻ cực non,có cân nặng khi đẻ dưới 1500g hoặc có tuổi thai dưới 32 tuần dễ để lại những khuyết tật về phát triển thể chất (45%), tinh thần (40%) nếu không can thiệp kịp thời... Vì vậy cần chú ý khám sức khoẻ sinh sản định kỳ,trang bị một số kiến thức về chăm sóc trẻ sơ sinh đế đấy mạnh các biện pháp phòngbệnh,đảm bảo trẻ sinh ra an toàn và khỏe mạnh./.

Mọi thắc mắc và thông tin cần giải đáp xin vui lòng liên hệ:

Khoa Nhi- Bệnh viện A Thái Nguyên

Hotline: 0384816400.

Địa chỉ: Đường Quang Trung, Phường Thịnh Đán, Thành phố Thái Nguyên.

Tin bài: Bác sỹ Nguyễn Yến- Khoa Nhi

Phương Thúy- Phòng Đào tạo& Chỉ đạo tuyến.

Share:

Tin bài liên quan