Bệnh Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn Bạch Hầu gây ra.

Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính vô cùng nguy hiểm, làm tổn thương niêm mạc nghiêm trọng và tiến triển gây suy hô hấp, suy tuần hoàn, hôn mê, tử vong nếu không được tiêm phòng vaccine và điều trị kịp thời.

Triệu chứng của bệnh bạch hầu: Bệnh bạch hầu có triệu chứng và dấu hiệu thường bắt đầu từ 2 đến 5 ngày sau khi bị nhiễm bệnh, cụ thể như sau:

  • Giả mạc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám, đen, dai, dính, dễ chảy máu.
  • Đau họng và khàn giọng
  • Sưng hạch bạch huyết ở cổ
  • Khó thở hoặc thở nhanh
  • Chảy nước mũi
  • Sốt và ớn lạnh
  • Khó chịu

Ở một số người, triệu chứng bệnh nhẹ hoặc không có dấu hiệu, triệu chứng rõ ràng nào cả khi nhiễm khuẩn bạch hầu. Nhiều người vẫn không biết về căn bệnh của mình khi bị nhiễm nên họ dễ dàng lây truyền bệnh cho cộng động mà không có triệu chứng bị bệnh. Vùng khí hậu nhiệt đới người dân dễ mắc bệnh bạch hầu, đặc biệt những người có vệ sinh kém, sống trong điều kiện đông đúc dễ mắc bệnh.

Hiện nay, bệnh bạch hầu đang có những diễn biến phức tạp tại 1 số địa phương trên cả nước. Ngày 7/7/2024, theo thông báo của Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, trên địa bàn huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang giáp với tỉnh Thái Nguyên xuất hiện ca bệnh bạch hầu. Trước nguy cơ có thể bùng phát dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn, để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, Sở Y tế Thái Nguyên đã có công văn số 2713/SYT-NVY ngày 08/7/2024 đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu.

Bệnh viện A Thái Nguyên cũng đã ban hành công văn số 600/BVA-KHTH ngày 09/7/2024 về việc Tăng cường phát hiện sớm phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh có hiệu quả trước nguy cơ có thể những ca bệnh hoặc người tiếp xúc với ca bệnh đến khám và điều trị tại bệnh viện, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do bệnh bạch hầu.

Theo đó, các khoa, phòng trong bệnh viện: Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc Bạch hầu đến khám, chữa bệnh khi có các biểu hiện như: Sốt, đau họng, ho, chảy nước mũi và kèm theo giả mạc ở amydal hoặc thành sau họng hoặc mũi với đặc điểm màu trắng ngà hoặc xám, những người có tiếp xúc gần với ca bệnh Bạch hầu hoặc người đi từ vùng có ca bệnh về trong vòng 14 ngày. Khoa Khám bệnh tổ chức tiếp đón, phân luồng phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh chuyển bệnh nhân đến phòng khám truyền nhiễm. Các khoa khi khám và điều trị cho người bệnh, kịp thời phát hiện ca bệnh Bạch hầu và bệnh truyền nhiễm khác. Thực hiện cách ly và điều trị theo đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế. Báo ngay cho phòng Kế hoạch tổng hợp và Trung tâm kiểm soát bệnh tật tinh khi có ca bệnh nghi ngờ. Khoa Dược và phòng Vật tư thiết bị y tế: đảm bảo đủ thuốc, dịch truyền, vật tư và trang thiết bị y tế phục vụ cấp cứu và điều trị bệnh. Các khoa phòng thực hiện nghiêm túc công tác KSNK, phòng chống lây chéo, không để dịch bệnh lây lan bùng phát ổ dịch trong bệnh viện. Tổ cấp cứu ngoại viện: sẵn sàng cấp cứu và hỗ trợ tuyến dưới hoặc đơn vị khác khi có yêu cầu. Tiếp tục tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh Bạch hầu và các dấu hiệu nghi nhiễm bệnh; Tăng cường công tác kiểm tra giám sát…

Bên cạnh đó, người dân cũng cần chú ý:

- Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; che miệng khi hắt hơi hoặc ho; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.

- Đảm bảo không gian nhà ở, trường học, các nơi công cộng sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng.

- Người dân sống trong vùng có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc khám chữa bệnh cũng như các chỉ định phòng bệnh của cơ sở y tế.

- Để phòng tránh bệnh bạch hầu hiệu quả mỗi người cần nâng cao ý thức của bản thân bằng cách đi tiêm Vaccine đầy đủ. Hiện nay, bệnh bạch hầu đã có thể điều trị được bằng thuốc. Do đó khi có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và trang bị máy móc tiên tiến, hiện đại để được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.

Khoa Khám bệnh - Bệnh viện A Thái Nguyên

Hotline: 0829845222

Hà Linh (Phòng CTXH)

Share:

Tin bài liên quan