Việc đón chào thành viên mới của một gia đình sau chín tháng mười ngày mang thai cực nhọc luôn là niềm vui sướng, hạnh phúc nhất của mỗi người làm cha, làm mẹ và cả của ông bà, dòng họ.

Thật hạnh phúc và may mắn cho những phụ nữ khi vượt cạn lại có chồng hay mẹ bên cạnh, vì chắc chắn mỗi cơn đau như được giảm nhẹ đi, sự lo lắng sợ hãi của sản phụ sẽ vơi đi thật nhiều. Có mẹ bên cạnh thì niềm tin sẽ được tăng thêm, những kinh nghiệm thực tế của bà ngoại, bà nội sẽ là nguồn động viên thuyết phục nhất cho người vượt cạn. Đặc biệt khi có chồng bên cạnh, không gì ý nghĩa hơn khi đứa con cùng lúc được cả cha và mẹ chào đón khi cất tiếng khóc chào đời. Người chồng còn có cơ hội cảm nhận đầy đủ những khó khăn, cực nhọc, đau đớn và hy sinh của người vợ khi vượt cạn.

Chính vì ý nghĩa nhân văn đó mà Bệnh viện A Thái Nguyên đã thành lập các “phòng đẻ gia đình” dành riêng cho những trường hợp sản phụ có yêu cầu sự có mặt của 01 thành viên nữa của gia đình trong cuộc đẻ.

Khi sản phụ có nhu cầu, việc đăng ký “phòng đẻ gia đình” tại Bệnh viện A Thái Nguyên có thể được sản phụ hoặc gia đình đăng ký từ trước khi nhập viện qua số điện thoại phòng đẻ (02083846623); đăng ký tại Phòng khám Sản hoặc tại Khoa Sản và được Bệnh viện tạo mọi điều kiện thuận lợi.

Khi cuộc chuyển dạ đã ở giai đoạn tích cực, thì sản phụ và người nhà sẽ được chuyển đến “phòng đẻ gia đình”. Mỗi tổ hợp “phòng đẻ gia đình” gồm một phòng ở, sinh hoạt và một phòng đỡ đẻ riêng. Phòng ở, sinh hoạt của sản phụ và gia đình đạt tiêu chuẩn khách sạn đồng thời cũng có các thiết bị theo dõi cuộc chuyển dạ và hệ thống chuông báo. Người nhà sản phụ được khoác áo và thay dép của phòng đẻ và ở trong phòng riêng với sản phụ cho đến khi sản phụ đẻ xong hoặc khi cần chuyển mổ. Phòng thực hiện đỡ đẻ được thiết kế riêng bao gồm các trang thiết bị hiện đại nhất như: điều hòa 02 chiều; hệ thống khí y tế trung tâm; máy siêu âm sản; monitoring theo dõi sản phụ; monitoring sản khoa; bàn đẻ đa năng điều khiển điện; giường sơ sinh tích hợp các chức năng làm ấm và theo dõi các chỉ số ở trẻ; trang phục sơ sinh được tiệt khuẩn; …Đặc biệt, tại đây Bệnh viện phân công các bác sĩ, nữ hộ sinh giỏi nhất theo dõi và đỡ đẻ. Khi sản phụ lên bàn đẻ, người thân sản phụ sẽ luôn ở bên cạnh. Trong thời gian này, người nhà thực sự chia sẻ với sản phụ và cả nhân viên y tế về những khó khăn, cực nhọc trong quá trình theo dõi và đỡ 01 ca đẻ.

Một chia sẻ kinh nghiệm thực tế là người vào cùng sản phụ nên là người không sợ kim tiêm, không sợ máu và phải bình tĩnh trước những hình ảnh can thiệp y khoa mà nếu không có chuyên môn đôi khi sẽ cảm thấy bất an, lo lắng, đôi khi là sợ. Và người chồng cũng cần phải có sức “chịu đựng đau đẻ” cùng với vợ khi vì đau mà một số sản phụ rất dễ cáu gắt, đôi khi là cấu véo, thậm chí là vò đầu bứt tóc của ông chồng.

Với mục tiêu giành những gì tốt đẹp nhất cho mẹ và bé, ngoài sự săn sóc, điều trị y tế, thì việc có gia đình bên cạnh lúc sản phụ vượt cạn luôn là việc nên làm, nó mang đậm ý nghĩa văn minh, văn hóa và tình người sâu sắc.

Share:

Tin bài liên quan