Tải file đính kèm: File đính kèm
Từ ngày 01/01/2025, Thông tư 01/2025/TT-BYT của Bộ Y tế Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế chính thức có hiệu lực, mang đến những thay đổi quan trọng trong việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).Theo Thông tư này, Người bệnh khám chữa bệnh BHYT được chẩn đoán xác định, điều trị một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao thì không phải thực hiện quy định về chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Giấy chuyển tuyến KCB BHYT), được hưởng đầy đủ quyền lợi và mức hưởng BHYT theo điểm a khoản 4 Điều 22 Luật BHYT. Điều này giúp bệnh nhân tiếp cận nhanh chóng với dịch vụ y tế chất lượng cao, giảm thiểu thời gian chờ đợi và các thủ tục hành chính phức tạp.
Bệnh viện A Thái Nguyên được xếp cấp cơ sở khám chữa bệnh cấp cơ bản theo quy định của Bộ Y tế. Do đó, bệnh nhân mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao có thể đến trực tiếp Bệnh viện A để khám và điều trị mà không cần giấy chuyển tuyến từ cơ sở y tế tuyến dưới.
Dưới đây là một số bệnh thường gặp trong danh mục này:
1. Bệnh lao: Bao gồm các dạng lao như lao phổi, lao ngoài phổi, được mã hóa từ A15 đến A19 (trừ mã A15).
2. Bệnh phong (bệnh Hansen): Được mã hóa với mã ICD-10 là A30.
3. Viêm gan virus B mạn tính, có đồng nhiễm hoặc không đồng nhiễm viêm gan virus D.
4. Viêm gan virus C mạn tính.
5. HIV/AIDS: Nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch ở người, dẫn đến hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải.
6. Nhóm u ác tính: Bao gồm các loại ung thư như ung thư phổi, ung thư gan, ung thư vú, ung thư dạ dày và các loại ung thư khác…
7. Nhóm u tân sinh tại chỗ: Bao gồm các loại ung thư biểu mô tại chỗ của khoang miệng, thực quản và dạ dày; cơ quan tiêu hóa, da, vú và các loại ung thư khác…
8. Các nhóm bệnh về máu như: Tan máu bẩm sinh (Thalassemia), bệnh hồng cầu liềm, thiếu máu tan máu mắc phải, các thể suy tủy xương khác, thiếu các yếu tố đông máu (Hemophili A, Hemophili B), các bất thường đông máu khác, tăng tiểu cầu tiền phát,…
9. Các bệnh về tuyến giáp như: Nhiễm độc giáp (Basedow), Suy giáp khác (trừ hôn mê phù niêm), bướu không độc khác (Trường hợp có chèn khí quản)…
10. Nhóm bệnh đái tháo đường: kèm điều kiện tổn thương đa cơ quan hoặc có biến chứng loét bàn chân hoặc có bệnh thận mạn hoặc có một trong các biến chứng: tim mạch, mắt, thần kinh, mạch máu hoặc biến chứng khác.
11. Nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa acid amin
12. Nhóm bệnh tâm thần
13. Hội chứng Parkinson, động kinh, nhược cơ, bại não liệt tứ chi co cứng, liệt hai chân và tứ chi
14. Nhóm bệnh hệ tuần hoàn: kèm điều kiện có chỉ định phẫu thuật hoặc can thiệp hoặc giai đoạn nặng hoặc có từ 2 biến chứng
15. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khác.
16. các bệnh về da liễu: Pemphigus, Vảy nến mủ toàn thân, Vảy phấn đỏ nang lông…
17. Gút (Thống phong)
18. Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống có tổn thương phủ tạng, các dạng khác của Lupus ban đỏ hệ thống.
19. Suy thận mạn giai đoạn 3, 4, 5; Lọc máu ngoài cơ thể (thận nhân tạo)
20. Tiền sản giật, đái tháo đường trong khi có thai, rau cài răng lược, rau tiền đạo
…
Ngoài ra các bệnh thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục I ban hành kèm Thông tư này bệnh nhân được đến thẳng các Bệnh viện thuộc tuyến chuyên sâu (tuyến trung ương: BVK, BV Bạch Mai…) nếu bệnh nhân đến Bệnh viện A Thái Nguyên khám chữa bệnh thì cũng không cần phải GIẤY CHUYỂN TUYẾN khám chữa bệnh BHYT.
Trên đây là 1 số nhóm bệnh thường gặp, chi tiết danh mục bệnh có thể xem tại phụ lục I, phụ lục II ban hành kèm Thông tư 01/2025/TT-BYT ngày 01/01/2025 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Thông tư 01/2025/TT-BYT sẽ góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân tiếp cận với các cơ sở y tế chuyên sâu hơn, đồng thời giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến dưới.
Huy Tiến - Mạnh Hùng (P.CTXH)