Nằm trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ đào tạo kĩ thuật chuyên ngành vi sinh tại Bệnh viện A Thái Nguyên, trong 3 ngày từ 23 đến 25/7/2019, đoàn công tác do Tiến sĩ Phạm Hồng Nhung và Thạc sĩ Mai Thị Lan Hương - Khoa Vi sinh Bệnh viện Bạch Mai đã đến và làm việc tại Bệnh viện A Thái Nguyên. Đoàn công tác đã khảo sát thực trạng, đánh giá năng lực thực hiện kỹ thuật xét nghiệm vi sinh lâm sàng của Bệnh viện A Thái Nguyên đồng thời triển khai buổi sinh hoạt khoa học với chuyên đề “Vi sinh lâm sàng, Ứng dụng sinh kỹ thuật học phân tử trong chẩn đoán”. Học viên tham dự là các cán bộ y tế của Bệnh viện A và các đồng nghiệp đang làm việc tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh như: Bệnh viện C, BV Gang Thép, Bệnh viện Lao và bệnh phổi cùng các bệnh viện huyện và một số bệnh viện chuyên khoa khác. Đợt công tác hỗ trợ là hoạt động vô cùng thiết thực và có ý nghĩa to lớn đối với Bệnh viện trong công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao chuyên môn kĩ thuật cho các cán bộ làm việc trực tiếp tại các khoa lâm sàng, cận lâm sàng.
Từ khi ra đời cho đến nay, Vi sinh lâm sàng luôn không ngừng phát triển và là công cụ không thể thiếu hỗ trợ đắc lực cho công tác chẩn đoán và điều trị các bệnh lý nhiễm trùng tại bệnh viện . Cùng với đó, các xét nghiệm Vi sinh còn đóng vai trò vô cùng to lớn đối với công tác phòng bệnh thông qua hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện. Nhằm nâng cao năng lực thực hiện các Xét nghiệm vi sinh cho tuyến dưới, các chuyên gia đầu ngành về Vi sinh của Bệnh viện Bạch Mai với nhiều năm kinh nghiệm thực tế đã trực tiếp hướng dẫn về mặt kỹ thuật và trao đổi chuyên môn tại khoa xét nghiệm Sinh hóa - Vi sinh Bệnh viện A Thái Nguyên.
Trong 3 ngày tập huấn, với tinh thần học tập tích cực, các học viên đã được chia sẻ cập nhật số lượng lớn kiến thức chuyên môn và các kĩ năng thực hành từ cơ bản đến nâng cao. Tất cả các khâu trong quá trình xét nghiệm từ thu thập bệnh phẩm, xử lý mẫu, đến nhận định kết quả đều được các chuyên gia đánh giá, góp ý, tư vấn một cách tỉ mỉ nhằm nâng cao hiệu quả của các xét nghiệm; Đặc biệt là việc kiểm soát, đảm bảo chất lượng của các xét nghiệm vi sinh được các cán bộ chuyển giao và học viên hết sức chú trọng, đây là nội dung được trao đổi rất sôi nổi tại lớp tập huấn, qua đó các học viên được chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu trong thực hành kiểm soát chất lượng xét nghiệm nói chung và kiểm soát chất lượng xét nghiệm vi sinh nói riêng tại đơn vị.
Tại bệnh viện A Thái Nguyên, các chuyên gia đánh giá khá cao đối với chất lượng các kĩ thuật cơ bản thuộc chuyên ngành vi sinh như soi tươi, nhuộm soi từ các mẫu bệnh phẩm mô, dịch cơ thể nhằm xác định các tác nhân vi sinh, kí sinh trùng gây bệnh; các kĩ thuật chuyên sâu như nuôi cấy, phân lập định danh vi khuẩn, nấm; kĩ thuật kháng sinh đồ xác định tính nhạy cảm của vi khuẩn đối với kháng sinh, xác định nồng độ ức chế tối thiểu của một số loại kháng sinh (MIC) đã được bệnh viện triển khai từ nhiều năm nay cũng đã được các thầy cô tư vấn điều chỉnh một số điểm trong quy trình thực hiện để thu được hiệu quả cao hơn, nhằm phục vụ tốt hơn nữa công tác điều trị bệnh nhiễm trùng tại bệnh viện.
Kĩ thuật Sinh học phân tử là kĩ thuật hiện đại mới được bênh viện triển khai ứng dụng đối với đo tải lượng virus trong một số bệnh truyền nhiễm, T.s Phạm Hồng Nhung đã có buổi sinh hoạt khoa học trao đổi về lĩnh vực này đối với các Bác sĩ của Bệnh viện, nhằm cập nhật những ứng dụng vô cùng hữu ích của SHPT trong vi sinh lâm sàng đối với chẩn đoán và điều trị.
Bên cạnh đó các vấn đề về đảm bảo an toàn sinh học, điều kiện môi trường phòng xét nghiệm, quản lý hóa chất, sinh phẩm hay thải hủy bệnh phẩm cũng đã được đoàn công tác tham mưu chỉ ra những ưu điểm, một số vấn đề còn tồn tại và hướng dẫn cách khắc phục phù hợp với điều kiện thực tế của phòng xét nghiệm.
Kết thúc chương trình đào tạo nhóm giảng viên đã giải đáp những thắc mắc của các học viên và hi vọng sẽ cùng đồng hành với cán bộ y tế Bệnh viện A và đồng nghiệp tuyến tỉnh trong công tác xét nghiệm y học để cùng góp phần vào thành tựu chung của y học Việt Nam.
Chương trình đào tạo tại chỗ theo mô hình lớp tập huấn tại Bệnh viện A đã nhận được sự phản hồi rất tích cực của các học viên cũng như nhóm giảng viên chuyên gia từ bệnh viện Bạch Mai, điều đó đã cho thấy tính ưu việt và hiệu quả vô cùng to lớn mà mô hình đào tạo này mang lại. Trong tương lai, với sự hỗ trợ của các bệnh viện đầu ngành tuyến Trung ương, Bệnh viện A Thái Nguyên sẽ tiếp tục triển khai các khóa đào tạo tương tự đối với tất cả các chuyên ngành nhằm phát triển các kĩ thuật theo chiều sâu, nâng cao hơn nữa chất lượng chẩn đoán và điều trị phục vụ người bệnh.
(Học viên thực hành tại Khoa Vi sinh Bệnh viện A Thái Nguyên)
(Hình ảnh hội thảo chuyên đề)
Bài : Phòng Chỉ Tuyến- Bệnh Viện A