Những em bé đầu tiên ra đời nhờ kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm (TTON) tại Bệnh viện A Thái Nguyên vào ngày 04/12/2016, từ đó đến nay rất nhiều các cặp vợ chồng vô sinh nhờ áp dụng kỹ thuật TTON đã tìm lại được hạnh phúc cho mình tại Khoa Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện A, trong số những bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm đó có nhiều trường hợp người chồng không có tinh trùng đã được áp dụng tiến hành phương pháp chọc hút tinh trùng từ mào tinh và tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (PESA- ICSI). Vô sinh không có tinh trùng là trường hợp không tìm thấy tinh trùng trong tinh dịch. Kỹ thuật điều trị vô sinh nam không tinh trùng do tắc đang được áp dụng rất phổ biến là chọc hút tinh trùng từ mào tinh và tiêm tinh trùng vào bào tương noãn(PESA- ICSI), kỹ thuật này có thể điều trị cho hầu hết tất cả các trường hợp không tinh trùng do tắc. Vô sinh do không tinh trùng là loại vô sinh chiếm khoảng 5-10% trường hợp vô sinh. Vô sinh do không có tinh trùng được phân thành hai loại là do tắc và không do tắc. Kỹ thuật PESA-ICSI được áp dụng cho bệnh nhân vô sinh không tinh trùng do tắc nghẽn. Trong 4 năm từ 2016-2019 khoa hỗ trợ sinh sản Bệnh viện A đã triển khai thành công kỹ thuật này và đem lại những giá trị thực tiễn to lớn.
Vô sinh nam không tinh trùng là tình trạng tinh trùng không có mẫu trong tinh dịch. Xét nghiệm soi tươi trên lam kính không thấy tinh trùng kết hợp với quay li tâm toàn bộ mẫu tinh dịch 3000 vòng/ phút, soi lại dưới kính hiển vi vẫn không thấy tinh trùng. Xét nghiệm này được làm lại sau 1- 3 tuần để chẩn đoán xác định là không có tinh trùng.Trong số các kỹ thuật lấy tinh trùng trong trường hợp vô sinh nam không có tinh trùng do tắc như : Kỹ thuật lấy tinh trùng từ mào tinh bằng xuyên kim qua da (PESA), Kỹ thuật lấy tinh trùng từ mào tinh bằng vi phẫu thuật (MESA), Lấy tinh trùng tinh hoàn bằng chọc hút (Microtise) thì kỹ thuật lấy tinh trùng từ mào tinh bằng xuyên kim qua da (PESA) là phương pháp được nhiều cơ sở y tế lớn về lĩnh vực Vô sinh- Hiếm muộn lựa chọn đầu tiên với những trường hợp vô sinh nam không tinh trùng do tắc. Kỹ thuật PESA là phương pháp lấy tinh trùng mà không cần phẫu thuật mở bao tinh hoàn và bộc lộ mào tinh. Sau khi cố định được mào tinh bằng tay, phẫu thuật viên dùng kim gắn với syringe đâm xuyên qua da và mào tinh. Hút từ từ tới khi có dịch trong syringe. Dịch hút được sẽ đem kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm tinh trùng. PESA là phương pháp ít xâm lấn, có thể thực hiện được nhiều lần, đơn giản hơn và tinh trùng thu được thường ít lẫn máu và xác tế bào. Kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn(ICSI) là phương pháp phổ biến và không ngừng phát triển để điều trị hiếm muộn nam giới do tinh trùng quá ít hoặc không tinh trùng do tắc nghẽn phải lấy tinh trùng từ phương pháp PESA. Ứng dụng lâm sàng trong phôi học tinh trùng người được tiêm trực tiếp vào noãn sau đó đánh giá sự hình thành và phát triển của phôi. Phôi được cấy trở lại buồng tử cung để sự thụ thai được tiếp tục diễn ra bình thường. Kỹ thuật ICSI từ khi thành công đã được xem là một cuộc cách mạng trong điều trị vô sinh nam. Tại khoa Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện A kỹ thuật PESA-ICSI đã và đang được áp dụng đối với các trường hợp thụ tinh ống nghiệm có tiêu chuẩn lựa chọn phù hợp. Trong số 40 cặp vợ chồng đã thực hiện thành công nhờ phương pháp này tại Bệnh viện A cho thấy: Độ tuổi của vợ từ 21- 30 tuổi, chồng 31- 40 tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất 60%. Có 95% nguyên nhân vô sinh do chồng không có tinh trùng nguyên phát hoặc thứ phát( vợ bình thường),1 trường hợp vô sinh do vòi tử cung của vợ không thông, 1 trường hợp rối loạn phóng noãn chiếm 2,5%. Đa số nguyên nhân vô sinh của chồng là vô sinh nguyên phát: thường do tắc, teo ống dẫn tinh bẩm sinh chiếm 95%.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô sinh nam không có tinh trùng, trong đó chia làm 3 nhóm chính:
- Nguyên nhân tại tinh hoàn : Thường do quá trình rối loạn sinh tinh, hậu quả của suy tinh hoàn.
- Nguyên nhân trước tinh hoàn : Có thể do bất thường hoạt động của tuyến yên như suy tuyến yên, tăng prolactin máu.
- Nguyên nhân sau tinh hoàn : Các bất thường về dường dẫn tinh như bế tắc, không có ống dẫn tinh bẩm sinh hay rối loạn hoạt động đường dẫn tinh.
Đa số các cặp vợ chồng đã được khoa Hỗ trợ sinh sản- Bệnh viện A áp dụng phương pháp này là vô sinh nhóm 1 (nguyên phát) chiếm 90%, thời gian hiếm muộn của các cặp vợ chồng ≥ 5 năm chiếm tỉ lệ cao nhất 37,5%, thời gian hiếm muộn 3-4 năm chiếm tỉ lệ 27,5%. Sau khi thực hiện phương pháp này tỷ lệ có thai lâm sàng của các cặp vợ chồng chiếm 47,5 %. Những nghiên cứu này cho thấy tỉ lệ vô sinh, hiếm muộn trên thực tế đối với các cặp vợ chồng là rất cấp bách cần quan tâm, phương pháp chọc hút tinh trùng từ mào tinh và tiêm tinh trùng vào bào tương noãn(PESA- ICSI) đã thực hiện tại khoa Hỗ trợ sinh sản- Bệnh viện A là rất hiệu quả và đem lại giá trị to lớn cho đời sống vợ chồng, gia đình và xã hội.
Với sự phát triển của y học hiện đại và nhu cầu gia tăng chất lượng cuộc sống của các cặp vợ chồng khoa Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện A khuyến khích các cặp vợ chồng kiểm tra sức khỏe tư vấn tiền hôn nhân để đạt được chất lượng cuộc sống vợ chồng tốt nhất, hiệu quả nhất.Trong trường hợp đã được chẩn đoán vô sinh, hiếm muộn cần tìm hiểu nguyên nhân để can thiệp sớm, áp dụng các kỹ thuật y học hiện đại một trong các kỹ thuật đó là phương pháp PESA-ICSI nếu tiêu chuẩn vợ, chồng phù hợp khi tuổi còn trẻ và thời gian sớm nhất. Tư vấn cho chồng các biện pháp sinh hoạt phù hợp: kiêng rượu bia, thuốc lá, bức xạ sóng điện từ… để làm tăng chất lượng tinh trùng qua đó tăng khả năng thành công cao đem lại những giá trị tốt đẹp cho đời sống vợ chồng, xây dựng gia đình hạnh phúc đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội./.
Tin bài : Phương Thúy- P. CĐT. Bệnh viện A.