Robot động vật phát hiện nhanh mùi cơ thể
Các chuyên gia ở Công ty Crazyhabo và Cao đẳng bách khoa Kitokyushu vừa nghiên cứu thành công một cặp chó robot, một đực một cái có khả năng phát hiện nhanh mùi khiếm nhã của cơ thể, thậm chí cả hơi thở của con người. Robot cái tên là Kaori làm nhiệm vụ ngửi mùi cơ thể lẫn mùi hơi thở của phụ nữ, nếu vượt ngưỡng cho phép nó sẽ phát tín hiệu cảnh báo, còn robot đực có tên là Shuntaro, làm nhiệm vụ ngửi mùi ở chân. Một trong những bộ phận quan trọng của loại robot này là các sensor khướu giác hay còn gọi là mũi điện tử đã từng được thương mại hóa đầu thập niên 90 ở thế kỷ trước bởi các nhà khoa học Anh. Hiện nay, nhóm đề tài đang tiếp tục triển khai và hoàn thiện dự án, hợp tác với công ty của Hà Lan, Anh và Mỹ để lắp các loại mũi điện tử thế hệ mới có khả năng chẩn đoán một số căn bệnh nan y như bệnh lao, hen, ung thư thậm chí cả những loại robot mới có thể đánh giá được sự trung thực của con người.
Máy chiết ADN siêu nhanh
Nhóm chuyên gia ở ĐH Washington Mỹ (UOW) vừa nghiên cứu và chế tạo thành công máy chiết ADN có khả năng phân ly và tinh chế được ADN trong vòng vài phút. Thiết bị cầm tay di động này thực chất là một thiết bị y tế sử dụng điện cực siêu nhỏ để chiết các số liệu ADN. Các điện cực siêu nhỏ này được nhúng vào các mẫu dịch, sau đó các điện cực sẽ dùng trường điện để làm cho các hạt liên kết bám vào điện cực. Các hạt to sẽ rơi ra khỏi điện cực, còn những hạt nhỏ thì liên kết trên bề mặt và giúp cho việc chiết xuất ADN sau đó được dễ dàng hơn. Theo nhóm nghiên cứu, bằng thiết bị này chỉ cần 2-3 phút, người ta có thể phân ly và tách lọc được ADN so với thời gian 30 phút như trong các phương pháp truyền thống. Ngoài ra, phương pháp dùng điện cực còn cho thấy khá đơn giản không cần đến quá nhiều hóa chất độc hại cho việc phân ly như các phương pháp truyền thống hiện đang được con người áp dụng.
Găng tay phát hiện độc tố
Viện nghiên cứu Fraunhofer của Đức hiện đang hoàn tất khâu cuối cùng để cho ra đời một loại găng tay đặc biệt có khả năng phát hiện nhanh độc tố bằng cách đổi màu để cảnh báo cho những người sử dụng biết để phòng ngừa. Thậm chí khi để ngoài trời, nếu trong không khí có chứa các chất độc hại thì găng tay cũng tự đổi màu. Ví dụ khi tiếp xúc với khí carbon monoxide (CO) hay amoniac... Găng tay nói trên được cấu tạo bởi các loại sợi thông minh có thể đổi màu, phù hợp dùng cho công nhân làm việc trong môi trường độc hại như trong các nhà máy hóa chất hay trong ngành chế biến thực phẩm, phát hiện nhanh các môi chất gây độc có trong đồ ăn, thức uống. Ngoài việc sử dụng màu, tới đây các nhà khoa học còn “nhúng” cả những sensor cực nhỏ vào trong sợi và trong găng tay để nó ghi lại các số liệu và độc tố sau đó truyền đến máy tính trung tâm để tính toán, xử lý.
|
Siêu robot cứu tinh cho người mù
Các chuyên gia ở ĐH công nghệ ETH Zurich (Thụy Sỹ) vừa nghiên cứu và sản xuất thành công một loại robot cực nhỏ hay còn gọi là microrobot, đủ nhỏ, đủ nhậy để cài cắm và cảnh báo tình trạng ôxy của mắt, điều mà trước đây bác sĩ không biết sớm nên khó can thiệp. Microrobot là những robot siêu nhỏ có thể phát quang, khi được tiêm vào dịch lỏng luôn thay đổi của mắt. Nếu lượng ôxy trong mắt quá thấp thì robot sẽ bắt đầu phát sáng. Sau khi được tiêm những robot này vào mắt, bác sĩ sẽ điều chỉnh để robot đi đúng hướng nhờ vào các trường từ tính, thậm chí chúng còn vào cả võng mạc và một khi phát hiện thấy dấu hiệu ôxy cạn kiệt sẽ phát ra ánh sáng báo động. Việc ra đời microrobot nói trên được xem là bước tiến mới trong lĩnh vực nhãn khoa nhằm mang lại cuộc sống tốt hơn cho nhóm người mù.
|
Ra đời loại pin ăn được
Chúng ta đã từng nghe thấy những viên thuốc camera mà người bệnh có thể nuốt được vào bụng để làm nhiệm vụ khám bệnh, truyền tín hiệu video ra ngoài cho bác sĩ. Và hiện nay, nhóm chuyên gia ở ĐH Carnegie Mellon (CMU) của Mỹ đã tới gần đích sản xuất ra một loại pin “ăn được” hay pin sinh hóa sodium-ion không độc, giá rẻ và có rất nhiều ưu điểm khác. Việc ra đời loại pin này giúp khoa học tiến sâu vào lĩnh vực nghiên cứu chế tạo những thiết bị y học điện tử có khả năng nuốt được, tiêu hóa được từng phần phục vụ cho mục đích khám chữa bệnh. Loại pin này được chế từ vật liệu polymer cấp sinh học, có thể để gọn trong viên nhộng, có khả năng hòa tan ở một thời gian nhất định trong hệ thống tiêu hóa của con người. Sau khi viên nhộng tan, polymer sẽ tiến hành khâu hydrate hóa, tạo ra dòng điện và kích hoạt thiết bị y học thực hiện chức năng của nó. Thời gian vận hành của thiết bị chữa bệnh có mục tiêu này kéo dài chừng 1-2 giờ. Hiệu quả ứng dụng các thiết bị ăn được là rất lớn, đặc biệt là dùng để khắc phục sự cố của mô, kiểm tra sức khỏe của dạ dày và đưa thuốc chữa bệnh vào đúng vị trí trong cơ thể.
Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống