Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp do virus hoặc vi khuẩn, đây là bệnh lý phổ biến và nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em dưới 5 tuổi.Tại Việt Nam mỗi năm tỉ lệ trẻ nhiễm bệnh hô hấp cấp tính dưới 5 tuổi vào nhập viện và tỷ lệ tử vong liên quan đến bệnh lý đường hô hấp cao xếp hàng đầu trong các bệnh thường gặp ở trẻ em. Tại Bệnh viện A Thái Nguyên , khoa Nhi mỗi ngày tiếp nhận số trẻ đến khám và điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp ngày càng tăng. Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính (NKHHCT) ở trẻ em là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính ở đường thở, nghĩa là đường từ tai, mũi, họng, đường dẫn khí (thanh quản, khí quản, phế quản) cho đến phổi. Do vậy dựa vào vị trí giải phẫu NKHHCT được chia thành 2 loại:

- Viêm hô hấp trên: Đây là viêm nhiễm vùng tai - mũi - họng, thường do virus, nếu chăm sóc tốt thì đa số trẻ sẽ tự khỏi.

- Viêm hô hấp dưới: Đây là NKHHCT bao gồm viêm tiểu phế quản, viêm phổi... Trong đó, viêm phổi (sưng phổi) chính là nguyên nhân gây nhập viện và tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Do đó trẻ cần được phát hiện sớm bệnh viêm phổi để điều trị kịp thời, tránh biến chứng.

( Ảnh minh họa)

 

* Nguyên nhân trẻ mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính:

- Trẻ bị NKHHCT là do nhiễm virus và vi khuẩn.

- Virus: 60-70% NKHHCT là do virus, virus hợp bào hô hấp, virus cúm, Adenovirus.

- Vi khuẩn: Phế cầu, Hemophilus Influenza,Tụ cầu, liên cầu,E.coli, Klebsiella Pneumococcus…

* Các yếu tố nguy cơ làm cho trẻ dễ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính:

- Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, nhất là trẻ sơ sinh.

- Trẻ đẻ thấp cân (dưới 2500g)

- Trẻ bị mắc các bệnh: sởi, suy dinh dưỡng, còi xương, tim bẩm sinh…

- Môi trường:Khí hậu lạnh, thời tiết thay đổi, độ ẩm cao, môi trường ô nhiễm, nhà ở chật chội, ẩm thấp bụi bặm, khói bếp, khói thuốc lá.

* Triệu chứng thường gặp của NKHHCT cha mẹ cần lưu ý:

Triệu chứng thường thấy nhất của NKHHCT ở trẻ là ho kéo dài( < 30 ngày), có thể kèm theo sốt hoặc không. Ngoài ra, trẻ còn có thể mắc kèm các triệu chứng khác như đau họng, sổ mũi, nghẹt mũi, thở khò khè...Đặc biệt, viêm phổi có triệu chứng sớm có thể phát hiện ở trẻ là thở nhanh. Để nhận biết trẻ có thở nhanh hay không thì cần đếm nhịp thở của trẻ trong 1 phút, sử dụng đồng hồ có kim giây. Kết quả tốt nhất khi chỉ đếm nhịp thở của trẻ lúc nằm yên không quấy, khóc.

*Nhận biết thở nhanh khi:

- Trẻ dưới 2 tháng: nhịp thở từ 60 lần /phút trở lên

- Trẻ từ 2 tháng đến dưới 12 tháng: nhịp thở từ 50 lần /phút trở lên

- Trẻ từ 12 tháng đến dưới 5 tuổi: nhịp thở từ 40 lần /phút trở lên

Khi thấy trẻ thở nhanh, cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được điều trị sớm bởi đây là triệu chứng sớm nhất báo hiệu trẻ bị viêm phổi.Khi viêm phổi nặng, triệu chứng điển hình là trẻ có thở co lõm lồng ngực, nghĩa là lúc trẻ hít vào phần dưới lồng ngực sẽ bị lõm vào thay vì nở ra như bình thường. Cần cho trẻ nhập viện ngay vì đây là triệu chứng cảnh báo nguy hiểm, viêm phổi nặng cần điều trị tích cực để tránh biến chứng và tử vong.

( Ảnh: Bác sỹ khám cho bệnh nhi tại Bệnh viện A Thái Nguyên)

Tại Khoa nhi, Bệnh viện A Thái Nguyên năm 2021 tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp bệnh nhi NKHHCT cho thấy: Nhóm trẻ từ 2 tháng- 24 tháng mắc bệnh NKHHCT tỉ lệ cao 60%, tỉ lệ trẻ nam 61%, trẻ nữ 39%, trẻ suy dinh dưỡng chiếm tỉ lệ 29,7%. Một trong những nguyên nhân dẫn đến trẻ đến viện trong tình trạng nặng và nguy kịch đó là sự hiểu biết, kiến thức thực hành của bà mẹ là yếu tố quan trọng.Trong số trẻ được điều trị tại khoa Nhi Bệnh viện A Thái Nguyên dấu hiệu lâm sàng trẻ ho chiếm 86,7%, trẻ có sốt: 83,7%,70,4% trẻ có tần số thở nhanh,70,3% trẻ có ral ở phổi, 68,1% trẻ thở khò khè 79,3% trẻ có chảy mũi.Ngoài ra trẻ có các triệu chứng: Nôn, uống kém, bú kém…Trong số đó tỉ lệ bạch cầu tăng 61,1% tỷ lệ với mức độ nặng của phân loại viêm phổi.

*Những dấu hiệu cần đưa trẻ đi bệnh viện ngay để điều trị cấp cứu và Chăm sóc đặc biệt.

Đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi:Ngoài những biểu hiện chung của bệnh, trẻ còn có những triệu chứng riêng khi bị viêm phổi.

- Trẻ có thể không sốt, ngược lại có thể hạ nhiệt độ.

- Bú kém hoặc bỏ bú, đùn bọt mép.

- Nhịp thở không đều

Các dấu hiệu nguy hiểm :

- Bú kém hoặc bỏ bú

- Co giật

- Ngủ li bì, khó đánh thức.

- Thở rít khi nằm yên.

- Sốt hoặc hạ nhiệt độ.

    Trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi bị viêm phổi đều là nặng, không nên điều trị tại nhà cần phải điều trị bệnh viện.

*Phòng bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính.

- Bảo đảm cho trẻ được bú sữa mẹ, bú sớm ngay sau đẻ, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và bú kéo dài đến 2 năm.

- Ăn bổ sung hợp lý, thức ăn bổ sung có đủ 4 nhóm thực phẩm (tinh bột ,đạm động vật hoặc đậu đỗ , dầu mỡ , rau quả).

- Giữ ấm cho trẻ nhất là mùa lạnh hoặc khi thay đổi thời tiết.

- Vệ sinh cá nhân và môi trường sạch sẽ, tránh khói thuốc lá, than bụi trong nhà.

- Tiêm chủng đầy đủ đúng lịch, đặc biệt là hoàn thành tiêm chủng trong năm đầu.

- Khi trong gia đình có người bị nhiễm khuẩn hô hấp như cúm, lao phổi, cần cách ly để không lây nhiễm sang trẻ.

- Phát hiện bệnh sớm và chăm sóc tốt khi trẻ bị bệnh.

- Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe về phòng chống NKHHCT cho phụ nữ tuổi sinh đẻ và các bà mẹ có con dưới 5 tuổi, các kiến thức thực hành xử trí và chăm sóc trẻ, cần kịp thời đưa đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu nặng và nguy hiểm./.

 

Mọi thông tin và giải đáp thắc mắc xin vui lòng liên hệ:

Khoa Nhi- Bệnh viện A Thái Nguyên

Hotline: 0384816400.

Địa chỉ: Đường Quang Trung, Phường Thịnh Đán, Thành phố Thái Nguyên.

Tin bài: Bác sỹ Nguyễn Thị Yến- Khoa Nhi

Phương Thúy- Phòng Đào tạo& Chỉ đạo tuyến.

 

 

 

 

 

 

 

 

Share:

Tin bài liên quan