Đái tháo đường là bệnh mạn tính, không lây, đang gia tăng nhanh chóng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, đái tháo đường cũng là bệnh nằm trong 7 nguyên nhân gây chết người hàng đầu ở Việt Nam.

          Nếu không điều trị và kiểm soát kịp thời, đái tháo đường có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: bệnh tim mạch, đột quỵ, suy thận, tổn thương gan…

Các biến chứng có thể xảy ra đối với người bệnh đái tháo đường

Dinh dưỡng trong điều trị đái tháo đường chính là vấn đề quan trọng nhất với mục đích nhằm đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, cân bằng đủ cả về số lượng và chất lượng để có thể điều chỉnh tốt đường huyết, duy trì cân nặng theo mong muốn, đảm bảo cho người bệnh có đủ sức khỏe để hoạt động và công tác phù hợp với từng cá nhân.

          Đái tháo đường do tổn thương tuyến tụy có 2 thể (type)

            - Thể phụ thuộc Insulin (Type I): Thường gặp ở người trẻ tuổi, gày nhiều và thường có nhiều biến chứng. Với type I, chế độ ăn thích hợp kết hợp với dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ giúp cho bệnh ổn định, hạn chế biến chứng.

            - Thể không phụ thuộc Insulin (Type II): Thường gặp ở người tuổi trên 40, người béo và ít biến chứng. Với type II chỉ cần chế độ ăn thích hợp kết hợp với hoạt động thể lực điều độ thường xuyên là kiểm soát được đường huyết giai đoạn đầu của điều trị.

          Nguyên tắc cơ bản về chế độ ăn của bệnh nhân đái tháo đường  là hạn chế gluxit (chất bột đường) để tránh tăng đường huyết sau khi ăn và hạn chế vừa phải chất béo nhất là các axit béo bão hòa để tránh rối loạn chuyển hóa. Chế độ ăn của người bệnh phải xây dựng sao cho cung cấp cho cơ thể người bệnh một lượng đường tương đối ổn định và quan trong nhất là phải điều độ và hợp lí về giờ giấc và số lượng thức ăn trong các bữa chính và phụ.

          Nhu cầu năng lượng của bệnh nhân đái tháo đường cũng giống như người bình thường, nhu cầu tăng hay giảm và thay đổi khác nhau tùy thuộc tình trạng của mỗi người. Đối với người bệnh đái tháo đường, nên chia thành nhiều bữa/ngày (4-6 bữa/ngày), ổn định thời gian cho các bữa ăn. Với bệnh nhân điều trị bằng Insulin tác dụng chậm có thể bị hạ đường huyết trong đêm, do vậy nên cho ăn thêm bữa phụ trước khi đi ngủ.

          Để giúp người bệnh dễ dàng lựa chọn các loại thực phẩm trong khẩu phần ăn hàng ngày, dưới đây là các loại thực phẩm nên dùng và không nên dùng nhằm giúp người bệnh có 1 khẩu phần ăn đa dạng, phong phú mà vẫn đảm bảo được các yêu cầu về dinh dưỡng.

Lựa chọn thực phẩm đa dạng cho người bệnh đái tháo đường

Các thực phẩm hạn chế dùng:

- Đồ ăn nhanh, chứa nhiều muối: ví dụ mỳ tôm, các loại bánh mặn, gà rán, các loại bánh ngọt…

- Thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối: thịt muối, cá muối, giò, chả, dưa muối, cà muối…

- Miến dong, bánh mỳ trắng

- Khoai củ chế biến dưới dạng nướng

- Phủ tạng động vật: tim, gan, bầu dục

- Mỡ động vật

- Các loại quả có hàm lượng đường cao: táo, na, nhãn, mít, vải, chuối, hồng xiêm, chôm chôm…

Chế biến thực phẩm:

- Nên chế biến các món ăn nhạt tới mức có thể chấp nhận được và giảm dần lượng muối tới mục tiêu: < 6g muối/ngày

- Có thể thay thế 1g muối = 1 thìa cà phê nước mắm

- Không nên sử dụng mỳ chính, bột nêm thêm vào quá trình chế biến món ăn   

- Hạn chế các món rán, các loại mỡ động vật

- Thịt gà ăn nên bỏ da

- Các loại khoai củ không nên chế biến dưới dạng nướng vì có chỉ số đường huyết (GI) cao

- Không nên nấu, hầm, bỏ lò, nướng thực phẩm kéo dài và ở nhiệt độ cao

- Hạn chế sử dụng các loại nước ép quả, xay sinh tố, nên ăn cả múi, miếng để có chất xơ.

Tầm soát, điều trị sớm để hạn chế các biến chứng của đái tháo đường

         Với những thông tin về dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường ở trên, hy vọng sẽ giúp người bệnh có một sức khỏe ổn định, lựa chọn được khẩu phần ăn thích hợp. Để điều trị bệnh đái tháo đường hiệu quả, quý khách hàng có thể đến khám và điều trị tại Bệnh viện A Thái Nguyên để nhận được sự tư vấn và hỗ trợ hiệu quả nhất từ đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm tại bệnh viện.

BS Trần Quyết-Phòng QLCL

 

Share:

Tin bài liên quan