Mùa hè, Tình trạng vắt chui vào mũi không hiếm gặp, sau một thời gian hút máu trong cơ thể, chúng sẽ lớn rất nhanh và gây ra các triệu chứng về đường hô hấp… Chỉ đến khi người bệnh có biểu hiện khó chịu, chảy máu mũi... đi khám mới phát hiện ra “thủ phạm” là con vắt.
Vừa qua, bác sĩ Chuyên khoa Khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện A Thái Nguyên đã thực hiện ca nội soi và gắp thành công con vắt sống trong mũi một bệnh nhân. Bệnh nhân nữ, 28 tuổi, sinh sống tại Võ Nhai - Thái Nguyên, đến khám với tình trạng thường xuyên chảy máu cam từ mũi trái, số lượng ít và tự cầm máu; không có ngạt mũi, không chảy nước mũi.
Gia đình bệnh nhân cho biết, cách đây gần 1 tháng bệnh nhân có đi rừng chặt củi, và rửa mặt ở khe suối. Bệnh nhân được tiến hành kiểm tra nội soi mũi và phát hiện thấy một con vắt trong hốc mũi bên trái, dài khoảng 3cm, che kín khe mũi giữa và khe mũi trên.
Sau khi gây tê tại chỗ, con vắt đã được lấy nguyên vẹn ra bên ngoài. Không có khó khăn trong quá trình lấy bỏ, có chảy máu mũi tại chỗ giác bám của con vắt sau đó tự cầm máu. Không có bất thường khác được tìm thấy trong hốc mũi.
Trước đó, các bác sĩ Khoa Tai – Mũi – Họng đã nhiều lần thực hiện gắp thành công con vắt cho các bệnh nhân trong tỉnh.
Tình trạng vắt chui vào và ký sinh trong cơ thể không phải hiếm gặp.Vắt rừng thường sống ở các khe suối, lúc còn nhỏ, kích thước chúng chỉ khoảng vài milimet. Khi người hoặc các loài động vật xuống suối tắm hoặc uống nước, chúng sẽ nhanh chóng chui vào các khoang mũi, họng, thanh hoặc khí phế quản và sống ký sinh ở đó. Sau một thời gian hút máu, chúng sẽ lớn rất nhanh và gây ra các triệu chứng về đường hô hấp.
Vắt sống ở đất rất đói máu, chúng thường ẩn núp trong các hốc đá, dưới lá cây, dòng suối... Khi người hoặc các loại động vật đi qua, vắt búng nhảy và bám vào để hút máu. Vết hút máu trên da thường không đau nhưng gây chảy máu kéo dài, có thể làm nguy hiểm đến tính mạng, nhất là khi chúng chui vào mũi, khí quản, ống tiêu hóa...
Bác sĩ CKII. Đỗ Trung Toàn, Khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện A Thái Nguyên khuyến cáo: “Mọi người ở vùng núi rừng ẩm ướt nơi có nhiều vắt cần cẩn trọng trong sinh hoạt hằng ngày, nhất là những người đi rừng cần hạn chế uống nước khe, suối; nếu có chảy máu mũi hoặc ho kéo dài nên soi tai, mũi, họng hoặc phế quản để loại trừ tình trạng đỉa/ vắt chui vào ký sinh trong cơ thể;”.
Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc có thắc mắc cần giải đáp, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ:
KHOA TAI – MŨI – HỌNG BỆNH VIỆN A THÁI NGUYÊN
Hotline: 0889 517 517
Địa chỉ: Đường Quang Trung, Phường Thịnh Đán, Thành phố Thái Nguyên
Website: www.benhvienathainguyen.com.vn
BS Đỗ Trung Toàn – Hoàng Hậu
Bệnh viện A Thái Nguyên