Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12/2022, Bộ Y tế phát động trong cả nước Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS từ ngày 10/11 đến ngày 10/12/2022 với chủ đề là “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng”.

 

Theo Bộ Y tế, đại dịch HIV/AIDS ở nước ta vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là trong thanh niên. Số người nhiễm HIV được phát hiện mỗi năm vẫn còn cao hơn 10.000 người - còn khá xa so với mục tiêu mà Việt Nam phấn đấu là đưa số người nhiễm HIV mới phát hiện dưới 1.000 ca mỗi năm. Đặc biệt, người nhiễm HIV đang được trẻ hóa nhanh. Nhóm tuổi từ 15 - 24 tăng nhanh trong số phát hiện mới, từ 4% (năm 2012) lên 12,9% (năm 2019) và 25,6% (năm 2021). Đáng chú ý, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm thanh niên quan hệ đồng tính nam có xu hướng tăng rất nhanh trong những năm gần đây, chiếm khoảng 50% trong số người nhiễm HIV được phát hiện năm 2020.

Bên cạnh đó, kiến thức, thái độ và thực hành phòng, chống HIV/AIDS của thanh niên còn nhiều hạn chế. Theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2021, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nữ từ 15 - 24 tuổi chỉ chiếm 39,8%, ở nam độ tuổi này là 48,7%. Tỷ lệ có thái độ phân biệt đối xử với HIV ở nữ từ 15 - 24 tuổi là 36,6%, ở nam độ tuổi này là 39,7%. Ngay cả với các em có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV cũng chỉ đạt ở 39,8% đối với nữ và 48,7% đối với nam. Cùng với kiến thức về HIV/AIDS hạn chế, ở nam nhóm tuổi từ 15 - 24 có nhiều hơn 1 bạn tình là 14%, đây là yếu tố dẫn đến quan hệ tình dục không an toàn, làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và mắc các bệnh lây qua đường tình dục hiện nay.

Trước tình hình dịch HIV/AIDS đang ảnh hưởng mạnh lên nhóm tuổi trẻ, đòi hỏi công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thanh niên cần được đẩy mạnh và cần phải có sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội. Để có thể chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, không chỉ có thanh niên sẵn sàng, mà cả cộng đồng hãy cùng hành động để kết thúc đại dịch AIDS.

Bệnh viện A Thái Nguyên đã triển khai Phòng khám ngoại trú HIV/AIDS từ năm 2004. Tại đây cung cấp các dịch vụ: Tư vấn và xét nghiệm HIV; khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội liên quan đến HIV; điều trị dự phòng các bệnh nhiễm trùng cơ hội và điều trị HIV bằng thuốc kháng vi rút (ARV)… giúp nâng cao chất lượng điều trị và cải thiện sức khỏe cho người bệnh. Đến nay, số lũy tích bệnh nhân được điều trị ARV tại Phòng khám là 1.979 bệnh nhân; số bệnh nhân hiện đang điều trị ARV là 988, trong đó có 119 bệnh nhân là trẻ em; số bệnh nhân đang điều trị ARV B2 là 85 người.

Theo Bác sỹ CKII. Lương Minh Tuấn - Phụ trách Phòng khám ngoại trú HIV/AIDS, Bệnh viện A Thái Nguyên khuyến cáo: “Những ai có nguy cơ nhiễm HIV nên đến các cơ sở y tế sớm nhất để làm xét nghiệm. Trong trường hợp có kết quả xét nghiệm HIV dương tính, các cơ sở y tế sẽ tiến hành điều trị cho bệnh nhân càng sớm càng tốt.”

Hình ảnh Bác sĩ Phòng khám ngoại trú HIV/AIDS Bệnh viện A thăm khám cho bệnh nhân

Hà Linh - Kim Dung (CTXH)

Share:

Tin bài liên quan