Ngày 19/4 Bệnh viện A Thái Nguyên tổ chức chương trình sinh hoạt khoa học, tư vấn, khám chữa bệnh từ xa với 3 bệnh viện là TTYT huyện Võ Nhai, BVĐK Đại Từ và BVĐK Định Hóa. Chủ trì buổi hội chẩn có Bác sĩ CKII. Nguyễn Thanh Tùng – Phó Giám đốc Bệnh viện A, các Bs trưởng phó các khoa chuyên môn, các phòng chức năng có liên quan của bệnh viện A, các điểm cầu tham dự có các y bác sỹ của TTYT huyện Võ Nhai, BVĐK huyện Định Hóa và BVĐK huyện Đại Từ.

Chương trình Sinh hoạt khoa học trực tuyến với chủ đề “Đái đường và thai kỳ” do Bs CK1 Nguyễn Trí Tọa- khoa Sản bệnh viện A trình bày. Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose được chẩn đoán trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của chu kỳ và không có bằng chứng của Đái tháo đường tuýp 1, hoặc tuýp 2 trước đó. Bệnh rất hay gặp ở phụ nữ khi mang thai gây ra nhiều nguy cơ biến chứng cho cả mẹ và con. Đối với mẹ đó là tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, sản giật, sẩy thai sớm, thuyên tắc mạch … nặng hơn nũa nguy có gây tử vong. Đối với thai đó là thai lưu, chết sơ sinh hoặc khi trẻ sinh ra có thể bị suy hô hấp, hạ đường huyết, hạ can xi máu, nguy cơ bệnh lý về sau như tiểu đường, béo phì, rối loạn chuyển hóa…Bộ y tế đã có Hướng dẫn quốc gia về Dự phòng và kiểm soát Đái tháo đường thai kỳ. Bs Nguyễn Trí Tọa cũng đã trao đổi chia sẻ kinh nghiệm trong việc chẩn đoán sớm, điều trị và quản lý các sản phụ bị Đái tháo đường thai kỳ tại bệnh viện A. Thông qua chuyên đề này là dịp để các y bác sỹ trao đổi chuyên môn, cập nhật kiến thức để cùng phát hiện sớm, điều trị kịp thời, quản lý tốt các sản phụ bị Đái tháo đường thai kỳ ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.

Sau chương trình sinh hoạt khoa học, các cán bộ y tế của các bệnh viện đã trao đổi thảo luận các ca bệnh đang điều trị tại các bệnh viện. Ca bệnh số 01 tại BVĐK huyện Định Hóa, bệnh nhân nữ 76 tuổi vào viện với lý do khó thở, được chẩn đoán: Viêm phổi, nhịp tim nhanh/ tăng huyết áp; Ca bệnh số 02 đang điều trị tại TTYT huyện Võ Nhai, bệnh nhân nam 45 tuổi vào viện với lý do đau bụng được chẩn đoán Viêm tụy/viêm gan. Các nội dung cần thảo luận và hội chẩn tại hội nghị là việc chẩn đoán và điều trị đã phù hợp chưa, cần làm thêm các xét nghiệm gì để giúp chẩn đoán và điều trị, hướng điều trị tiếp theo. Các bác sỹ của bệnh viện A và các bệnh viện cũng đã trao đổi thảo luận với các bs trực tiếp điều trị người bệnh từ triệu chứng lâm sàng, khai thác tiền sử, bổ sung các xét nghiệm để chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt, thuốc sử dụng trên ca bệnh cụ thể. Việc tư vấn, hội chẩn từ xa những ca bệnh như vậy sẽ giúp cho các bác sỹ trong việc điều trị bệnh nhân ngay tại tuyến của mình, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn.   

Giải pháp tư vấn khám, chữa bệnh từ xa ứng dụng công nghệ 4.0 đã giúp giải quyết khoảng cách địa lý, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế tuyến huyện được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến trên; từ đó nâng cao khả năng tiếp cận khám, chữa bệnh có chất lượng cho người dân ngay tại địa phương và giảm tình trạng quá tải ở các cơ sở y tế tuyến trên; nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.

Một số hình ảnh tại buổi tập huấn:

  

Hà Linh, Mạnh Hùng (Phòng CTXH)

Share:

Tin bài liên quan