Một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Babes-Bolyai-Cluj-Napoca (Romania) đã tạo ra một công thức máu nhân tạo với các thí nghiệm thành công ban đầu rất khả quan.

Đứng đầu nhóm nghiên cứu này là GS Radu Silaghi-Dumitrescu, người đã nghiên cứu máu nhân tạo trong 6 năm qua. Thành công của GS Radu Silaghi-Dumitrescu và các đồng nghiệp có thể mang đến giá trị vô cùng quan trọng cho ngành y tế trên toàn thế giới vốn luôn phải chịu tình trạng khan hiếm máu.
Truyền máu luôn là một công việc phổ biến trong ngành y tế

Máu nhân tạo này được làm từ nước, muối, albumin (chất đản bạch) và protein hemerythrin chiết xuất từ một loài giun biển. Các thí nghiệm đầu tiên trên chuột cho thấy dấu hiệu rất tốt. Các con chuột được sử dụng máu nhân tạo này vẫn không có dấu hiệu gì khác biệt, không cho thấy biểu hiện sưng hay bệnh hoặc bị đào thải. Điều này rất đáng mừng vì vấn đề mà các loại máu nhân tạo từ trước đến nay luôn phải đối mặt là hiện tượng đào thải bởi cơ thể.

Các loại máu nhân tạo được tạo ra trước kia đều thất bại vì các nhà khoa học vẫn chưa tìm được loại protein thích hợp để giúp chúng miễn nhiễm khỏi phản ứng đào thải của cơ thể. Loại máu nhân tạo của các nhà khoa học Romania chưa thấy bất kỳ hiện tượng nguy hiểm nào. GS Radu cho biết nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục thí nghiệm trên chuột, sau đó mới bắt đầu thí nghiệm trên người. Quá trình này có thể kéo dài đến 2 năm nữa. GS Radu nói: “Thí nghiệm trên người là một vấn đề rất nhạy cảm, cần các điều kiện đặc biệt và sẽ phải gánh chịu nhiều rủi ro rất lớn”.

Nếu thành công, loại máu nhân tạo của các nhà nghiên cứu Romania sẽ được công bố chính thức và đăng ký bản quyền. Hiện nghiên cứu này được ưu tiên tài trợ bởi Bộ Nghiên cứu và Giáo dục Romania, trong khi giới khoa học ở quốc gia này đang phải chịu đợt cắt giảm ngân sách nặng nề.

 

Share:

Tin bài liên quan