Thực hiện Chương trình chống lao Quốc gia (CTCLQG), ngày 18/8, Bệnh viện A Thái Nguyên phối hợp với Tổ chức Friends for International Tuberculosis Relief (FIT) và Bệnh viện Phổi Thái Nguyên tổ chức lớp tập huấn Quy trình hoạt động dự án phối hợp y tế công- công, công – tư mô hình 5 (PPM5) trong công tác phòng chống lao. Tham dự chương trình, đại diện lãnh đạo Bệnh viện A Thái Nguyên có BS.CKII Nguyễn Thanh Tùng – Phó Giám đốc Bệnh viện; BS.CKII Ma Thị Hường – Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Thái Nguyên là giảng viên của dự án; Bác sĩ Đồng Thị Thu Thủy – Phó Giám đốc chương trình - Tổ chức FIT; cùng 40 bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của Bệnh viện A tham dự buổi tập huấn.

Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Theo thống kê của Tổ chức y tế Thế giới (WHO), lao là một trong số 10 bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu. Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao với 169.000 người mắc bệnh lao và 12.000 người tử vong do lao năm 2021, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới và đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng, số lượng và tỷ lệ tử vong do lao trong 2 năm 2020-2021 tăng trở lại so với giai đoạn trước đây. Trong số những người mắc lao thì có khoảng 95% là bệnh nhân lao thường và 5% bệnh nhân lao kháng thuốc.

Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, CTCLQG phối hợp với Tổ chức FIT - một tổ chức phi chính phủ của Đức, hoạt động trên lĩnh vực phòng và chống bệnh lao triển khai các hoạt động tăng cường phối hợp giữa các cơ sở y tế công lập và các cơ sở y tế tư nhân trong việc phát hiện sớm các ca bệnh, tránh bỏ sót, tạo môi trường thuận lợi cho người nghi lao được tiếp cận sớm với dịch vụ chẩn đoán lao (PPM5) được Quỹ Toàn cầu hỗ trợ và triển khai tại một số bệnh viện. Mô hình phối hợp y tế công- công, công – tư (PPM) nhằm khuyến khích các phòng khám tư nhân cũng như các bệnh viện, phòng khám công lập ngoài chương trình lao chuyển người có dấu hiệu nghi lao đến các cơ sở chống lao để phối hợp chẩn đoán và điều trị. Việc kết hợp y tế công- công, công – tư trong công tác chống lao là một trong những yếu tố quan trọng để tiến đến mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Năm 2023, dự án PPM Mô hình 5 tiếp tục được mở rộng triển khai thêm tại 5 tỉnh mới: Hà Giang, Quảng Nam, Thái Nguyên, Gia Lai, Bình Định, nâng số tỉnh can thiệp dự án giai đoạn 2021 - 2023 lên 15 tỉnh.

Tại lớp tập huấn, các đại biểu lần lượt được các chuyên gia đến từ Bệnh viện Phổi Thái Nguyên và đại diện tổ chức FIT phổ biến các kiến thức về: Chẩn đoán và điều trị bệnh lao theo hướng dẫn của CTCLQG; Giới thiệu về kỹ thuật xét nghiệm Gene-Xpert – phương pháp có khả năng phát hiện lao và lao đa kháng thuốc; Hướng dẫn thu thập và vận chuyển mẫu bệnh phẩm theo tiêu chuẩn của CTCLQG; Hướng dẫn thực hành sử dụng ứng dụng ACIS trong sàng lọc và tầm soát bệnh lao; Giới thiệu sơ bộ về dự án, Mục tiêu và quy trình triển khai hoạt động của dự án PPM5, qua đó sẽ phối hợp để triển khai dự án hiệu quả trong trong quá trình thực hiện.

Các đại biểu đến tham dự lớp tập huấn cũng đã thảo luận về những vướng mắc trong việc tham gia dự án và triển khai dự án và được CTCLQG, đại diện Tổ chức FIT giải đáp những thắc mắc án nhằm tăng cường phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh lao góp phần thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Lớp tập huấn nhằm bồi dưỡng, nâng cao năng lực sàng lọc, phát hiện, chẩn đoán về bệnh Lao cho các bác sỹ, nhân viên y tế tại bệnh viện. Đồng thời, việc triển khai chương trình phối hợp y tế công-công, công – tư trong công tác phòng chống lao trên địa bàn tỉnh sẽ giúp người bệnh dễ tiếp cận dịch vụ y tế chẩn đoán lao hiện đại và chính xác cao như kỹ thuật xét nghiệm Gene-Xpert, từ đó tăng tỉ lệ phát hiện, giảm nguồn lây góp phần vào công tác nâng cao sức khỏe người dân và mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2030.



Hà Linh, Mạnh Hùng (Phòng CTXH)

Share:

Tin bài liên quan