Bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính còn được gọi là đau thắt ngực ổn định hoặc suy vành. Đây là loại bệnh khá thường gặp ở các nước phát triển và có xu hướng gia tăng nhanh chóng ở các nước đang phát triển. Do đó biết được những thông tin cơ bản về căn bệnh này để phát hiện sớm, điều trị kịp thời và phòng tránh hiệu quả là điều vô cùng cần thiết. Với ý nghĩa đó Bệnh viện A Thái Nguyên phối hớp với Viện tim mạch Việt Nam và công ty Servier tổ chức buổi hội thảo chuyên đề “ Điều trị tối ưu bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính “. Tham dự buổi hội thảo có Ban giám đốc bệnh viện , các bác sỹ, dược sỹ của bệnh viện và các đồng nghiệp đến từ các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh: Bệnh viện C, Bệnh viện quân y 91, Trung tâm y tế các huyện Đại từ, Định Hóa, Phú Bình và các bệnh viện tư nhân …

( Ảnh: TTUT. BSCC Đỗ Minh Thịnh - Giám đốc bệnh viện phát biểu khai mạc)

          Trao đổi và thảo luận với các đồng nghiệp trong buổi hội thảo TS. BS Phan Đình Phong –  Trưởng khoa Q3A Viện tim mạch Việt Nam – Bộ môn Tim Mạch – Đại học Y Hà Nội đã phân tích triệu chứng điển hình của bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính là đau thắt ngực. Cơn đau thường bắt đầu ở sau xương ức và là một vùng (chứ không phải một điểm), đau có thể lan lên cổ, vai, tay, hàm, thượng vị, sau lưng. Hay gặp hơn cả là hướng lan lên vai trái rồi lan xuống mặt trong tay trái, có khi xuống tận các ngón tay. Người bệnh thường cảm thấy đau thắt ngực khi gắng sức, ăn quá nhiều, hút thuốc lá, bị lạnh hoặc xúc động mạnh. Một số trường hợp cơn đau thắt ngực có thể xuất hiện về đêm, khi thay đổi tư thế hoặc kèm cơn nhịp nhanh. Hầu hết người bệnh mô tả cơn đau thắt ngực như thắt lại, nghẹt, rát, bị đè nặng trước ngực và đôi khi cảm giác buốt giá. Một số bệnh nhân có thể bị khó thở, mệt lả, đau đầu, buồn nôn, vã mồ hôi…Cơn đau kéo dài vài phút, có thể dài hơn nhưng không quá 20 phút (nếu đau kéo dài hơn và xuất hiện ngay cả khi nghỉ thì cần nghĩ đến cơn đau thắt ngực không ổn định hoặc nhồi máu cơ tim).

Ảnh: TS. BS Phan Đình Phong –  Trưởng khoa Q3A Viện tim mạch Việt Nam

Giảng viên bộ môn Tim Mạch – Đại học Y Hà Nội)

          Trong buổi hội thảo TS. BS Phan Đình Phong –  Trưởng khoa Q3A Viện tim mạch Việt Nam – Bộ môn Tim Mạch – Đại học Y Hà Nội đã nêu rõ bệnh tim mạch thường do nhiều nguyên nhân phối hợp gây nên. Các yếu tố nguy cơ thường phối hợp với nhau để tạo ra các mảng xơ vữa. Trước đó tăng cholesterol máu là yếu tố nguy cơ chủ yếu. Bốn loại chất béo tồn tại trong máu là LDL-cholesterol (là một loại cholesterol có hại), HDL-cholesterol (là một loại cholesterol có ích), cholesterol toàn phần và triglycerides. Khi các chỉ số đó ở mức độ không bình thường có thể gây ra bệnh xơ vữa động mạch, trong đó có xơ vữa động mạch vành. Mảng xơ vữa chủ yếu do chất mỡ lắng đọng trên thành mạch máu, có cấu tạo bởi một nhân lipid và một vỏ xơ. Mảng xơ vữa làm giảm thấu kính lòng mạch và dần dần gây tắc mạch, dẫn đến bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính, đồng thời báo cáo viên cũng phân tích cụ thể nhóm tuổi có khả năng mắc bệnh tim mạch nguy cơ cao, các triệu chứng lâm sàng và gợi ý các test hỗ trợ cận lâm sàng cần làm giúp bác sỹ chẩn đoán bệnh sớm nhất và kịp thời xử trí bệnh thích hợp như : Điện tâm đồ thường quy; Holter điện tâm đồ, điện tâm đồ gắng sức, Siêu âm tim thường quy, Siêu âm tim gắng sức, MRI tim, chụp động mạch vành qua da….Hội thảo cũng là dịp để báo cáo viên cùng trao đổi với các đồng nghiệp về phương pháp điều trị cải thiện, tiên lượng bệnh, vai trò của điều trị nội khoa là nền tảng và xuyên suốt, bên cạnh đó giúp các học viên cập nhật kiến thức mới giúp tư vấn bệnh nhân cách phòng bệnh và phát hiện những dấu hiệu cơ bản của bệnh.

          Thông qua hội thảo báo cáo viên đã giải đáp những thắc mắc, những vấn đề thường gặp gây khó khăn trong công tác điều trị bệnh thiếu máu cục bộ mạn tính của các học viên. Hội thảo đã cập nhật những kiến thức chuyên sâu cho các bác sỹ, dược sỹ làm công tác điều trị, đặc biệt là điều trị bệnh tim mạch, đồng thời tìm ra phương pháp điều trị tối ưu nhất, góp phần giảm chi phí cho người bệnh và giảm tải gánh nặng cho tuyến trên.

Tin bài : Phòng Chỉ đạo tuyến – Bệnh Viện A Thái Nguyên.

 

Share:

Tin bài liên quan