Mua bán người là một trong những loại tội phạm nguy hiểm được Liên Hợp Quốc đưa vào Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu và ngày 30/7 hằng năm được chọn là “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”. Tại Việt Nam, Chính phủ đã xây dựng những chính sách, hành lang pháp luật cho công tác phòng, chống đấu tranh trấn áp loại tội phạm này, đặc biệt Luật phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2012; Ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30/7 hằng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”…

Năm 2024, “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người – 30/7” diễn ra từ ngày 01/7/2024 đến ngày 31/7/2024 với chủ đề “Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người” nhằm mục đích nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp của các cấp, các ngành, các địa phương, qua đó huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người; đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người, tăng cường công tác nắm tình hình, đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người, nhất là mua bán người dưới 16 tuổi; làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ an toàn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, người nghi là nạn nhân.

Thông điệp Hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống buôn bán người 30/7” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”:

  1. Tích cực hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30 – 7”
  2. Con người không phải là hàng hóa. Mỗi người là một món quà
  3. Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người
  4. Chung tay phòng, chống tệ nạn mua bán người
  5. Chung tay bảo vệ phụ nữ, trẻ em trước hiểm hoạ buôn bán người
  6. Phòng, chống mua bán người là trách nhiệm của mỗi cá nhân và toàn xã hội
  7. Hãy cảnh giác và kiên quyết ngăn chặn tệ nạn mua bán người
  8. Nâng cao nhận thức cho toàn dân, toàn xã hội về tệ nạn mua bán người
  9. ­Phòng, chống tệ nạn mua bán người thông qua giáo dục./….

Hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” năm 2024. Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị tiếp tục đoàn kết phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc… Mỗi người dân cần tự giác, tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm mua bán người; hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng; nâng cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân trước những phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, tránh xa mọi cám dỗ và cạm bẫy của bọn tội phạm; mỗi gia đình luôn nhắc nhở con em hiểu được phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm để phòng ngừa, không để trở thành nạn nhân mua bán người.

Người dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động tố giác tội phạm, phối hợp đấu tranh ngăn chặn với loại tội phạm này khi phát hiện các dấu hiệu tội phạm mua, bán người, nhất là đối với các hành vi thủ đoạn như:

  • Lợi dụng thủ tục kết hôn với người nước ngoài, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, du lịch, thăm thân... để tổ chức cho nạn nhân ra nước ngoài, sau đó thu giữ giấy tờ tùy thân, bán sang tay nhiều chủ để cưỡng bước lao động, cưỡng bức mại dâm, ép thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Lợi dụng quy định về hiến, ghép tạng, các đối tượng tìm gặp những nạn nhân khó khăn về kinh tế có nhu cầu bán nội tạng, thương lượng mua với giá rẻ, làm giả giấy tờ, con dấu, sau đó bán cho người bệnh với giá cao.
  • Lợi dụng không gian mạng, đặc biệt là các nền tảng OTT (Zalo, Facebook, Telegam..) tội phạm mua, bán người thường dùng tên, tuổi, hình ảnh, dùng nhiều số điện thoại khác nhau, sử dụng địa chỉ giả thường xuyên hướng dẫn, liên lạc qua mạng xã hội lừa đảo trực tuyến với chiêu trò “việc nhẹ, lương cao” đưa người ra nước ngoài làm việc trong các Casino, cơ sở game Online, công ty kinh doanh trực tuyến nhằm cưỡng bức lao động; thiết lập các trang quảng cáo, tìm việc làm, ứng dụng hẹn hò, hội nhóm độc thân, sử dụng tên tuổi, địa chỉ giả để kết bạn, làm quen, tán tỉnh, hứa hẹn tìm việc làm thu thập cao, sau đó lừa bán làm nhân viên phục vụ tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT (quán karaoke, cắt tóc, massage…)
  • Môi giới, lừa gạt phụ nữ đưa ra nước ngoài kết hôn trái pháp luật, ép hoạt động mại dâm diễn ra tại khu vực biên giới các tỉnh biên giới. Các đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp hình ảnh thông tin, địa chỉ để tổ chức xem mặt chọn vợ, lấy chồng nước ngoài để có cuộc sống giàu sang. Giả danh lực lượng chức năng để đe dọa nạn nhân, không hẹn làm việc tại các cơ quan nhà nước mà hướng dẫn gặp riêng bên ngoài. Công việc, địa điểm làm việc mà các đối tượng dụ dỗ, hứa hẹn đưa nạn nhân đến làm việc thường không có địa chỉ cụ thể…

Khi phát hiện dấu hiệu liên quan đến mua bán người đều có thể báo ngay cơ quan Công an gần nhất hoặc gọi Tổng đài Quốc gia 111.

Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành Y tế, tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ sở y tế, phục vụ nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Bệnh viện A Thái Nguyên nhiệt liệt hưởng ứng “ Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “ Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” năm 2024. Bệnh viện đã tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, tuyên truyền cách nhận biết, các biện pháp phòng ngừa tội phạm và nạn mua bán người trong các cơ sở y tế.

Thông qua đó không những nêu cao ý thức nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân mà còn nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống nạn buôn bán người. Góp phần chung tay với các cấp, các ngành và toàn dân hành động vì một xã hội an toàn, văn minh và phát triển.

Hà Linh (P. CTXH)

 

 

 

 

Share:

Tin bài liên quan