Nghề y là một nghề nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Theo truyền thống, vào dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) hàng năm, toàn xã hội lại tri ân, động viên những người làm công tác y tế có nhiều đóng góp cho cộng đồng

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2015), phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trò chuyện với Thầy thuốc Ưu tú, Bác sĩ Chuyên khoa II (TTUT-BS) Đỗ Minh Thịnh, Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên về nghề đặc biệt này.

P.V: Thưa bác sĩ, tại sao nói nghề y là nghề đặc biệt?

TTUT-BS Đỗ Minh Thịnh: Có thể nói, nghề y là nghề đặc biệt trước hết vì nó cao quý. Chúng ta đều biết, sức khỏe là vốn quý nhất của con người, xã hội và là nhân tố quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ xa xưa, trong sự hình thành và phát triển của nền y học cùng sự phát triển của nhân loại đã có những tiêu chí riêng. Hải Thượng Lãn Ông từng nói: “Suy cho cùng tôi hiểu rằng thầy thuốc là người bảo vệ tính mạng con người, sống chết trong một tay mình nắm, phúc họa trong một tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đạo đức không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành vi không thận trọng mà dám học đòi làm cái nghề cao quý đó chăng?”. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người có tư tưởng nhân văn và đạo đức cách mạng cao cả - đã căn dặn: “Phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu...”. Nghị quyết số 46 NQ/TW ngày 23-2-2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới cũng đã khẳng định: “Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”.

Nhưng nghề y cũng là nghề khắc nghiệt. Với một bác sĩ, để bước đầu làm được việc thì phải trải qua gần 10 năm học tập, rèn luyện trong môi trường khắc nghiệt với cường độ cao. Sau đó, để làm chủ kỹ thuật, cập nhật kiến thức, một cán bộ y tế luôn luôn phải học tập, học suốt đời để phục vụ công việc. Lao động ngành y hết sức khẩn trương, liên tục cả ngày đêm, thường xuyên phải tiếp xúc với bệnh dễ lây, hóa chất độc hại, chất thải môi trường nguy hiểm... Nghề y là một nghề đặc biệt và cao quý nhưng cũng là nghề đòi hỏi sự hy sinh, tận tụy. Sự hy sinh ấy đang diễn ra từng giờ, từng phút, ở khắp mọi miền Tổ quốc.

P.V: Thưa bác sĩ, ông có nhận định như thế nào về y đức và rèn luyện y đức trong tình hình hiện nay?

TTUT-BS Đỗ Minh Thịnh: Nghề y luôn nhận được sự quan tâm, trân trọng của xã hội vì thế sức ép, áp lực cũng rất nặng nề, đặc biệt trong xu thế phát triển của xã hội, sự vận hành của cơ chế thị trường, sự bùng nổ của công nghệ. Nỗi lo toan cuộc sống gia đình cùng những khó khăn, vất vả, căng thẳng trong công việc bắt người thầy thuốc phải tự đấu tranh ranh giới giữa đạo đức nghề nghiệp với lợi ích vật chất của cuộc sống đời thường. Mối quan hệ giữa thầy thuốc, người bệnh, gia đình người bệnh và xã hội dưới tác động của công nghệ, xã hội luôn thay đổi, không còn khoảng cách về thời gian, không gian, địa lý.

Nếu việc nhận biết và đưa thông tin, nhất là những thông tin do tai biến, tai nạn kỹ thuật trong chuyên môn thiếu khách quan, thiếu thiện cảm sẽ tạo ra cho xã hội những bức xúc phản ứng dữ dội với ngành y, với thầy thuốc. Một mặt, ngành y và thầy thuốc phải nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế, yếu kém để quyết tâm khắc phục. Người thầy thuốc phải luôn biết tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao y đức và giỏi chuyên môn, phải biết vượt qua chính mình, hết lòng vì nghề. Người thầy thuốc có y đức không chỉ là người có tinh thần thái độ phục vụ tốt, hết lòng với bệnh nhân mà còn phải là người giỏi nghề và không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, phục vụ người bệnh.

 

Nhưng bên cạnh đó, những người làm nghề y luôn mong được sự đồng cảm, ủng hộ của xã hội; kịp thời chia vui với những việc làm tốt, rộng lòng chia sẻ với những quyết tâm nỗ lực khắc phục; công bằng, khách quan với những gì còn hạn chế. Mặc dù y học ngày nay phát triển và có những cuộc cách mạng lớn tuy nhiên có những bệnh còn chưa giải quyết được triệt để, còn phải dày công nghiên cứu, chúng tôi xin được xã hội san sẻ, thấu hiểu với nghề đặc biệt này.

P.V: Xin bác sĩ chia sẻ với bạn đọc những khó khăn thường gặp của người thầy thuốc trong công việc hàng ngày?

TTUT-BS Đỗ Minh Thịnh: Trong cuộc sống nói chung và nghề y nói riêng vẫn còn những cá nhân chưa làm đúng, làm tròn bổn phận, nhưng đó chỉ là những đốm đen nhỏ trong vầng hào quang cao quý mà nghề y mang lại. Với mỗi cán bộ y tế, khi hành nghề, mọi dịch bệnh nguy hiểm người thầy thuốc phải tiếp cận. Việc phơi nhiễm vi rút, vi khuẩn và các độc hại từ bệnh tật luôn có nguy cơ xảy ra. Trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, ngày đêm các thầy thuốc luôn phải vượt qua mọi nguy hiểm của bệnh tật để giành giật lại sự sống cho người bệnh.

Bệnh nhân chấn thương, tai nạn giao thông là người nhiễm HIV vào viện vẫn được khẩn trương cấp cứu, phẫu thuật. Người bị trực khuẩn hansen (hủi) rụng hết chân tay; bệnh nhân mắc AIDS giai đoạn cuối máu mủ nhiễm trùng nhưng thầy thuốc vẫn không xa lánh mà còn chăm sóc, kéo dài sự sống cho họ. Có những bệnh nhi cha mẹ chết, bản thân mắc bệnh hiểm nghèo bị cộng đồng xa lánh nhưng vẫn được vòng tay nhân ái của người thầy thuốc đón nhận. Có những thầy thuốc hàng ngày ăn mặc sạch sẽ làm việc ở môi trường sạch sẽ nhưng thực chất họ đang ở phòng thí nghiệm tiếp xúc với mầm bệnh nguy hiểm để sản xuất vắc xin phòng bệnh, cứu người. Ngoài phơi nhiễm bệnh tật, nhân viên y tế còn phải tiếp xúc với các yếu tố hóa, lý độc hại và chịu áp lực nặng nề khi xử lý cấp cứu hay phẫu thuật phức tạp.

Còn nhiều hy sinh thầm lặng của người thầy thuốc không thể nói hết được. Bất kể hoàn cảnh, thời gian, người thầy thuốc phải căng mình ra làm việc trong điều kiện quá tải bệnh nhân, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng trang thiết bị còn thiếu thốn. Có những thầy thuốc là người mẹ trẻ để con cho chồng chăm sóc, còn mình thức thâu đêm chăm sóc người bệnh; có những thầy thuốc đêm giao thừa vẫn không được ở nhà thắp nén hương thơm dâng tổ tiên... Còn rất nhiều hình ảnh mà không thể nói ra hết được về những nguy hiểm, vất vả người thầy thuốc đã đang và sẽ làm. Mặc dù khó khăn là vậy nhưng những người thầy thuốc chúng tôi vẫn khẳng định sự lựa chọn nghề của mình là đúng đắn và vì thế chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực làm việc, chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu người dân để xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lương y phải như từ mẫu”

P.V: Xin cảm ơn bác sĩ!

Share:

Tin bài liên quan