Lần đầu tiên các nhà khoa học ĐH Y khoa Texas Medical Branch (Mỹ) tái tạo thành công phổi người trong phòng thí nghiệm, mở ra bước tiến mới trong việc điều trị và cấy ghép phổi trong tương lai.
Báo cáo cho biết phổi người nhân tạo mới được công bố sau khi được kiểm tra các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm trong nhiều tháng.
Đây là một thành công lớn trong công nghệ y học tái tạo, giúp khoảng 1.600 người đang chờ được cấy ghép phổi trong tương lai trong tình trạng đang khan hiếm người hiến tặng phổi.
“Xác phổi” (trái) được tiêm các mô tế bào khỏe mạnh và nuôi dưỡng chúng thành phổi nhân tạo (phải) trong phòng thí nghiệm - (Ảnh: ĐH Texas Medical Branch)
“Chúng tôi rất vui mừng khi tái tạo thành công phổi nhân tạo - một thành tựu vốn chỉ được nhìn thấy trong các phim khoa học viễn tưởng” - nhà nghiên cứu y khoa Joan Nichols, ĐH Texas Medical Branch - nói với CNN.
Nghiên cứu tạo phổi nhân tạo được bắt đầu với phổi của hai trẻ nhỏ đã chết sau khi bị chấn thương nặng từ nạn giao thông. Phổi đã hư hỏng không thể hiến tặng để cấy ghép nhưng các mô tế bào vẫn còn khỏe mạnh, theo lời bà Nichols.
Một trong hai lá phổi được lấy hết các tế bào, chỉ còn lại “xác phổi” - bộ khung phổi màu trắng chứa collagen và elastin. Sau đó, họ chiết xuất các mô tế bào khỏe mạnh của lá phổi còn lại tiêm vào bộ khung phổi trên và nuôi dưỡng, phát triển chúng nhờ một chất lỏng chứa trong một khoang lớn.
Sau khoảng 4 tuần, lá phổi mới được tái tạo trông giống như lá phổi của con người nhưng có màu hồng nhạt, mềm hơn và nhẹ hơn.
Tuy nhiên theo bà Nichol, cần ít nhất 12 năm nghiên cứu nữa chúng tôi mới tiến hành cấy ghép phổi nhân tạo cho con người. “Trước mắt, chúng tôi sẽ thử nghiệm cấy ghép phổi nhân tạo trên lợn. Khi tôi về hưu, các sinh viên y khoa ưu tú của tôi sẽ tiếp tục thực hiện nghiên cứu này”, bà Nichols cho biết thêm.